Hỡi người bạn nhỏ, bạn đang lo lắng sao? Bạn đang thao thức trong lo lắng sao? Đừng lo lắng… Tôi đang ở đây. Cơn nước lũ sẽ rút dần, nạn đói sẽ chấm dứt, mặt trời sẽ lại chiếu sáng vào ngày mai, và tôi luôn ở bên chăm sóc bạn. (Charlie Brown to Snoopy in Peanuts)

Charles Schulz
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15483
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
SUY TƯ » Các Bài Khác
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 14/03/2021 5:28:05 SA)
A  A  A
Bài suy niệm Mùa Chay thứ ba cho Giáo triều của ĐHY Cantalamessa

Chúng ta hãy nhắc lại ngắn gọn về chủ đề và tinh thần của các bài suy niệm Mùa Chay hiện nay. Mục đích của chúng ta là để phản ứng lại với xu hướng đang rất phổ biến là nói về Giáo Hội ‘etsi Christus non daretur’, nghĩa là nói về Giáo Hội như thể Chúa Kitô không tồn tại, như thể mọi thứ đều có thể hiểu được mà không có Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đã có ý định phản ứng với điều đó theo một cách khác thường: không phải bằng cách cố gắng thuyết phục thế giới và giới truyền thông về sai lầm của họ, nhưng bằng cách đổi mới và củng cố đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô. Không phải bằng con đường hộ giáo, mà là bằng con đường tâm linh.

Để nói về Chúa Kitô, chúng ta đã chọn cách an toàn nhất, là tín lý: Chúa Kitô là người thật, Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, Chúa Kitô là một bản thể duy nhất. Con đường tín lý không hề cũ và lỗi thời. Như Kierkegaard, một trong những nhà tư tưởng hiện sinh chính yếu, đã nói: ‘Thuật ngữ tín lý của Giáo Hội sơ khai giống như một lâu đài cổ tích, nơi những hoàng tử đẹp trai nhất và những công chúa xinh đẹp nhất an nghỉ. Bạn chỉ phải đánh thức họ dậy, để họ nhảy lên trong vinh quang.’

Vâng, đó là chìa khoá: hãy đánh thức lại các tín điều, truyền sự sống cho chúng một lần nữa, giống như khi Thánh Linh nhập vào bộ xương khô của Edêkien và chúng ‘sống lại và đứng vững trên đôi chân của mình’ (Ed 37,10). Lần trước, chúng ta đã cố gắng làm điều đó liên quan đến tín điều của Chúa Kitô là ‘con người thật’; hôm nay chúng ta muốn làm điều tương tự với tín điều của Chúa Kitô là ‘Thiên Chúa thật’.

Tín điều về Chúa Kitô ‘Thiên Chúa thật’

Vào năm 111 hoặc 112 sau Chúa Giáng Sinh, Pliny Cháu [Pliny the Younger, cháu của Pliny là người rất nổi tiếng trong đế quốc La Mã – chú thích của người dịch] là thống đốc của miền Bithynia và Pontus [ngày nay là hầu hết lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ – chú thích của người dịch], đã viết một bức thư cho hoàng đế Trajan, xin ông cho lời khuyên về cách cư xử trong những phiên toà được dựng nên để chống lại các tín hữu Kitô. Ông viết cho hoàng đế, ‘trên cơ sở những thông tin thu thập được, tất cả những gì họ bị cáo buộc và tất cả những gì họ đã làm sai là nhóm họp vào một ngày ấn định trước bình minh để hát bởi các ca đoàn thay phiên nhau một bài thánh ca về Chúa Kitô là Thiên Chúa: carmen Christo quasi Deo dicere’. Chúng ta đang ở Tiểu Á, một vài năm sau cái chết của vị Tông đồ cuối cùng, là Thánh Gioan, và các Kitô hữu đã công bố thần tính của Chúa Kitô trong các bài hát! Niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô được sinh ra cùng với sự ra đời của Giáo Hội.

Tuy nhiên, đức tin đó giờ đây còn lại những gì? Trước hết, chúng ta hãy tóm tắt những khía cạnh chính trong lịch sử tín lý về thần tính của Chúa Kitô, sau này được Công đồng Nicê long trọng xác lập vào năm 325 với những lời chúng ta lặp lại trong Kinh Tin kính: ‘Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô… Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa… Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.’ Ngoài cách diễn đạt, ý nghĩa sâu xa hơn của định nghĩa Nicê, có thể được tóm lược như Thánh Athanasiô, là nhân chứng và thông dịch viên có thẩm quyền nhất của Công đồng, rằng trong mọi ngôn ngữ và mọi thời đại, Chúa Kitô phải được công nhận là Thiên Chúa theo ý nghĩa cao nhất và vững chắc nhất mà từ ngữ Thiên Chúa có trong ngôn ngữ và văn hoá đó, chứ không phải theo nghĩa phái sinh (derivative) hay thứ cấp nào.

Phải mất một thế kỷ để chân lý đó theo nghĩa triệt để của nó được xác lập vững chắc và được toàn thể Kitô giáo chấp nhận. Một khi cố gắng sau cùng của bè rối Ariô do làn sóng truyền bá man rợ bởi những kẻ dị giáo (người Goth, người Visigoth và người Lombard) đã được khắc phục, thì tín điều này đã trở thành một tài sản được công nhận bởi toàn bộ Kitô giáo, cả Đông phương và Tây phương.

Cuộc Cải cách Tin Lành giữ nguyên giá trị và trên thực tế đã nâng cao vai trò trung tâm của nó; tuy nhiên cuộc cải cách này đã giới thiệu một yếu tố mới mà sau này sẽ mở đường cho những phát triển tiêu cực. Để phản ứng lại chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa duy danh vốn xem thường các tín lý đến mức thuần tuý chỉ là những suy đoán tài tình, các nhà cải cách Tin Lành tuyên bố: ‘Biết về Chúa Kitô có nghĩa là nhận ra những lợi ích của Ngài, chứ không phải là một cuộc điều tra về bản chất và cách thức nhập thể của Ngài. Chúa Kitô ‘đối với tôi’ trở nên quan trọng hơn Chúa Kitô ‘trong chính Ngài’. Khách quan và tín điều đối lập với tri thức chủ quan và nội tại; ‘chứng từ bên trong’ của Chúa Thánh Thần về Chúa Giêsu trong lòng mỗi tín hữu được đặt ở vị thế cao hơn so với lời chứng bên ngoài về Chúa Giêsu do Giáo Hội đưa ra và trong một số trường hợp, còn cao hơn cả chính Kinh Thánh.

Từ cách giải thích đó, các chủ nghĩa Khai sáng và Duy lý đã tìm thấy cơ sở thích hợp để triệt hạ tín lý. Đối với Kant, điều quan trọng là lý tưởng đạo đức do Chúa Kitô đề xuất, chứ không phải là bản thể của chính Ngài. Thần học tự do của thế kỷ mười chín thực tế hạ giảm Kitô giáo xuống thành đơn thuần là một chiều kích đạo đức và thành kinh nghiệm về tình phụ tử của Thiên Chúa. Phúc Âm bị tước bỏ mọi yếu tố siêu nhiên như phép lạ, thị kiến, sự phục sinh của Chúa Kitô. Kitô giáo bị biến thành một lý tưởng đạo đức cao siêu có thể đạt được cho dù không có thần tính của Chúa Kitô và ngay cả khi không có sự tồn tại lịch sử của Ngài. Gandhi, người không may, đã biết đến Kitô giáo trong phiên bản rút gọn này, đã viết: ‘Tôi thậm chí không quan tâm nếu ai đó chứng minh rằng con người Chúa Giêsu thực sự không bao giờ tồn tại và những gì được đọc trong Phúc Âm là thành quả của trí tưởng tượng của tác giả. Bởi vì Bài giảng trên núi sẽ vẫn đúng trong mắt tôi.’

Phiên bản giản lược của Kitô giáo gần gũi nhất với chúng ta là phiên bản được Bultmann phổ biến, lần này với danh nghĩa loại bỏ những huyền thoại được thần thoại hóa. Như ông đã viết: “Công thức ‘Chúa Kitô là’ không đúng theo mọi nghĩa, khi ‘Chúa’ được coi là một thực thể có thể bị khách quan hoá, cho dù bạn giải thích công thức đó theo Ariô hay Nicê, theo nghĩa chính thống hay cấp tiến. Chỉ đúng nếu ‘Chúa’ được hiểu là một sự kiện thần thánh hoá hiện thực.” Nói cách ít che đậy hơn: Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, nhưng trong Chúa Kitô có Thiên Chúa (hoặc Thiên Chúa đang hoạt động nơi Ngài). Chúng ta đang ở rất xa so với tín lý được xác định tại Công đồng Nicê. Rõ ràng là người ta muốn giải thích tín lý bằng các phạm trù hiện đại, nhưng trên thực tế đây không gì khác hơn là một sự tái tạo, đôi khi theo cùng một thuật ngữ, các giải pháp cổ xưa (của Phaolô thành Samosata, Marcellus thành Ancyra, Photinus), đã được đánh giá và bác bỏ bởi lương tâm của Giáo Hội.

Nếu một người chuyển từ những gì các nhà thần học nói sang những gì những người bình thường nghĩ về thần tính của Chúa Kitô - theo các cuộc khảo sát khác nhau - thì anh ta sẽ không nói nên lời. Sau một công đồng địa phương bị thống trị bởi các đối thủ của Công đồng Nicê (công đồng Rimini, năm 359 sau Chúa Giáng Sinh), Thánh Giêrôm (Jerome) đã viết rằng cả thế giới ‘thút thít và sửng sốt khi nhận ra những người đó chính là những người Ariô một lần nữa’. Chúng ta còn có nhiều lý do hơn để phải thút thít và cảm thấy choáng váng.

Chúa Giêsu Kitô “Thiên Chúa thật” trong các sách Phúc Âm

Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta cần phải kiên định với mục đích của mình. Chúng ta hãy gác lại những gì thế gian nghĩ và cố gắng đánh thức lại trong chính chúng ta niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô. Một đức tin tràn đầy ánh sáng, không mờ mịt, một đức tin có thể đồng thời khách quan và chủ quan, không chỉ dựa trên niềm tin mà còn phải sống trong thực tế. Ngay cả ngày nay Chúa Giêsu cũng không quan tâm nhiều đến những gì ‘người ta’ nói về Ngài, cho bằng những gì các môn đệ nói về Ngài. Câu hỏi liên tục được đưa ra là: ‘Nhưng các con nói rằng Thầy là ai?’ (Mt 16,15). Đây là câu hỏi mà chúng ta cố gắng trả lời trong buổi tĩnh tâm hôm nay.

Chúng ta hãy bắt đầu với các sách Phúc Âm. Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, thần tính của Chúa Kitô không bao giờ được tuyên bố một cách công khai, nhưng điều đó liên tục được hiểu. Chúng ta hãy nhớ đến một số câu nói của Chúa Giêsu: “Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mt 9,6); “không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha và không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con” (Mt 11,27); “khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,31-32). Ai, nếu không phải là Thiên Chúa, có thể tuyên bố nhân danh chính mình để tha tội và xưng mình là thẩm phán chung thẩm của nhân loại và lịch sử?

Một sợi tóc hoặc một miếng nước bọt cũng đủ để tái tạo DNA của một người, cũng thế chỉ một dòng Phúc Âm, nếu được đọc mà không có thành kiến, cũng đủ để tái tạo DNA của Chúa Giêsu, để khám phá ra những gì Ngài nghĩ về bản thân mình, nhưng Ngài không thể công khai nói ra để tránh hiểu lầm. Mỗi trang Phúc Âm đều toát lên sự siêu việt thiêng liêng của Chúa Kitô.

Nhưng chính Gioan là người đã biến thiên tính của Chúa Kitô thành mục tiêu chính, và là chủ đề bao trùm Phúc Âm của ngài. Ngài kết thúc Tin Mừng của mình bằng cách tuyên bố: ‘Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người’ (Ga 20,31), và kết thúc Bức thư đầu tiên của ngài gần như bằng những lời tương tự: ‘Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.’ (Ga 5,13).

Một ngày nọ, cách đây nhiều năm, tôi đang cử hành thánh lễ trong một tu viện dòng kín. Đoạn Tin Mừng của phụng vụ là bài Phúc Âm theo Thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu đã nhiều lần thốt lên những lời này: “Nếu các ông không tin là TÔI HẰNG HỮU, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là TÔI HẰNG HỮU... trước khi có ông Abraham, thì tôi, TÔI HẰNG HỮU”. Cụm từ ‘TÔI HẰNG HỮU’, trái với bất kỳ quy tắc ngữ pháp nào, được viết hoa trong bài đọc, chắc chắn kết hợp với một số nguyên nhân bí ẩn khác, đã châm ngòi cho một tia lửa. Cụm từ đó ‘bùng nổ’ trong tôi.

Từ những nghiên cứu của mình, tôi biết rằng Phúc Âm Thánh Gioan chứa đựng khá nhiều từ ‘TA LÀ’, ego eimi, được Chúa Giêsu thốt ra. Tôi biết đó là một yếu tố quan trọng đối với Kitô học về Ngài; qua đó, Chúa Giêsu tự đặt cho mình cái tên mà theo ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã đặt cho mình để ‘các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta’ (Is 43,10). Tuy nhiên, kiến thức của tôi là sách vở, bất động và không khơi dậy bất kỳ cảm xúc đặc biệt nào. Hôm đó, nó là một cái gì đó hoàn toàn khác. Chúng tôi đang ở trong Mùa Phục Sinh và nghe như thể chính Đấng Phục Sinh đã xưng tên mình trước trời đất. ‘TA LÀ’ của Ngài đã khai sáng và tràn ngập vũ trụ. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, giống như một khán giả đang tình cờ chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ và phi thường, hoặc một kỳ quan thiên nhiên vĩ đại. Đó chỉ đơn giản là một cảm xúc của niềm tin không hơn, nhưng đó là một trong những thứ mà một khi đã qua đi sẽ để lại một dấu ấn không thể phai mờ.

Thánh Linh của Chúa Giêsu đã cho phép Thánh Gioan đạt được một kỳ tích đáng kinh ngạc. Ngài đón nhận các chủ đề, biểu tượng, kỳ vọng, nói chung, là tất cả những gì sống động về mặt tôn giáo, cả nơi người Do Thái lẫn trong thế giới Hy Lạp, để tất cả những điều này có thể phục vụ một ý tưởng, một nhân vật tốt hơn là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế của thế giới. Ngài đã học ngôn ngữ của những người đương thời, để có thể hét lên bằng ngôn ngữ đó, với tất cả sức lực của mình, chân lý cứu rỗi duy nhất, Lời xuất sắc, ‘Lời nhập thể’.

Chỉ có một xác tín được mạc khải, được Thiên Chúa và Thánh Linh của Ngài ủng hộ và nâng đỡ, mới có thể mở ra trong một cuốn sách với sự nhất mực khăng khăng và nhất quán như vậy, bắt đầu từ hàng ngàn điểm khác nhau và luôn đi đến một kết luận giống nhau: đó là danh tính đầy đủ về bản chất giữa Chúa Cha và Chúa Con: ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (Ga 10,30). ‘Một’, ở dạng trung tính trong tiếng Latinh 'unum', bạn nhớ nhé, đó là một thứ cùng một bản chất, không phải của một nhân vật (masculine unus)!

“Corde creditur: ta tin bằng cả trái tim”

Cũng như chúng ta đã làm đối với nhân tính của Chúa Kitô, giờ đây, trong khi vẫn giữ được chiều kích khách quan và bản thể học, chúng ta cũng có thể chỉ ra tín điều cổ xưa về thần tính của Ngài có thể bao hàm và nâng cao giá trị của quan điểm chủ quan và chức năng hiện đại như thế nào. Mặt khác, làm điều ngược lại đã được chứng minh là khá khó khăn. Chúng ta hãy đặt đối lập luận lý biện chứng “một trong hai” với luận lý “và-và” của Công giáo.

Để minh bạch chúng ta cần phải rõ ràng rằng không có gì trong số những cái gọi là ‘Kitô học từ bên dưới’ coi Chúa Giêsu như là ‘nhà tiên tri cánh chung và là đấng mặc khải cao nhất về Chúa Cha’ làm điểm xuất phát của họ, hoặc coi Chúa Giêsu là ‘người mà trong đó nhận thức về Thiên Chúa đã đạt đến cấp độ cao nhất’ (F. Schleiermacher), hay xem Chúa Kitô là ‘một con người trong đó bản chất thần thánh tồn tại’ (không phải một ngôi vị thần thánh tồn tại trong bản chất con người!). Tôi nhắc lại: không phái nào trong số những trường phái Kitô học này, đã cố đạt được mục tiêu là nắm lấy mầu nhiệm thực sự của đức tin Kitô và bảo vệ thần tính trọn vẹn của Chúa Kitô. Lý do của sự thất bại đó được Chúa Giêsu giải thích và được Thánh Gioan tường thuật rất rõ: ‘Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.’ (Ga 3,13). Quả thật, nếu Ngài mong muốn, Ngài thật sự có thể trở thành con người nhưng con người không thể biến thành Chúa!

Trên những cơ sở như vậy, chúng ta có thể khôi phục và nâng cao toàn bộ chiều kích chủ quan và cá vị của tín điều: Chúa Kitô ‘đối với tôi’ được các nhà Cải cách ban cho tính ưu việt, Chúa Kitô được biết đến từ những lợi ích của Ngài và chứng tá bên trong của Thánh Linh. Đây là hoa trái tốt nhất của đại kết, đó là ‘những khác biệt được hoà giải’, chứ không phải là những khác biệt chống đối, như Đức Thánh Cha của chúng ta đã nói. Đó không phải là sự nhượng bộ ‘pro bono pacis’ nghĩa là ‘vì hoà bình’, mà là nhu cầu và sự phong phú hóa lẫn nhau. Tất cả chúng ta cần phải cung cấp cho đức tin của mình chiều kích cá nhân, thân mật đó, để nó có thể không phải là một sự lặp lại chết chóc các công thức cổ xưa hoặc hiện đại. Về điểm này, tất cả chúng ta đều được kêu gọi hành động: Công giáo, Chính thống giáo và Tin Lành.

Thánh Phaolô nói: ‘Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.’ (Rm 10,10). Theo nhận xét của Thánh Augustinô ‘Đức tin nảy sinh từ cội rễ của trái tim’. Theo quan điểm Công giáo, cũng như Chính thống giáo, và sau đó là quan điểm Tin Lành, việc tuyên xưng đức tin đúng đắn, chính thống, tức là giai đoạn thứ hai của quá trình, thường trở nên quan trọng đến mức làm lu mờ giai đoạn đầu tiên diễn ra ở nơi sâu thẳm tiềm ẩn của tâm hồn. Tất cả các luận thuyết về đức tin, hay De fide, được viết sau Nicê, đề cập đến tính chính thống của đức tin; ngày nay người ta sẽ đề cập đến như những fides quae, chứ không phải với những fides qua, tức là như những điều để tin chứ không phải như các hành động tin tưởng cá vị.

Hành động đức tin đầu tiên này, chính vì nó diễn ra trong lòng, nó phải là một hành động ‘số ít’, không thể được thực hiện bởi ai khác ngoài một cá nhân, trong sự cô độc tuyệt đối với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu nhiều lần hỏi cùng một câu hỏi: ‘Anh có tin vào Con Người không?’ (Ga 9,35; 11,26); và mỗi khi câu hỏi này được đưa ra, nó gợi lên từ trái tim tiếng kêu của đức tin: ‘Vâng, lạy Chúa, con tin!’

Chúng ta cũng cần chấp nhận trải qua khoảnh khắc đó, trải qua cuộc kiểm tra đó. Nếu một người trả lời ngay câu hỏi của Chúa Giêsu “Anh có tin vào Con Người không?”, mà không cần suy nghĩ: “Tôi chắc chắn tin” và thậm chí thấy lạ khi một tín hữu, một linh mục hay một giám mục, lại đặt ra câu hỏi đó với mình, thì có lẽ điều này có nghĩa là người ấy vẫn chưa khám ra ý nghĩa thực sự của niềm tin, có lẽ họ chưa bao giờ trải qua sự sững sờ của lý trí trước đức tin. Thần tính của Chúa Kitô là đỉnh cao nhất, là đỉnh ‘Everest’ của đức tin. Tin vào một Thiên Chúa, Đấng sinh ra trong chuồng gia súc và chết trên cây thập tự giá! Điều này còn đòi hỏi cao hơn rất nhiều so với việc tin vào một vị thần xa xôi, là người có thể được tưởng tượng bởi bất kỳ ai theo ý muốn.

Cần phải bắt đầu bằng cách đánh đổ trong chúng ta, những tín hữu, và trong chúng ta, hàng giáo sĩ của Giáo Hội, sự lầm tưởng cho rằng chúng ta ổn về phương diện đức tin, và có lẽ chúng ta vẫn cần phải làm việc về cả đức mến. Rốt cuộc, có thể là tốt, ít nhất là trong một thời gian nào đó, chúng ta không muốn chứng minh bất cứ điều gì với bất cứ ai, nhưng muốn đào sâu sự hiểu biết trong lòng về đức tin, muốn khám phá lại cội nguồn của đức tin trong tâm hồn mình!

Chúng ta cần tạo lại các điều kiện để khôi phục niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô, để tái tạo niềm tin bùng phát đã làm nảy sinh tín điều Nicê. Nhiệm thể Giáo Hội đã từng tạo ra một nỗ lực tối cao, qua đó, trong đức tin, Giáo Hội đã vượt lên trên mọi hệ thống con người và mọi phản kháng của lý trí. Thuỷ triều của đức tin đã từng lên đến mức cao nhất và dấu ấn của nó đã được để lại trên đá. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải làm cho thuỷ triều đức tin dâng lên trở lại, vì dấu tích thôi thì chưa đủ. Lặp lại Kinh Tin Kính Nicê thôi chưa đủ; cần phải lặp lại niềm tin bùng phát vào thần tính của Chúa Kitô mà chúng ta đã có vào lúc bấy giờ, và điều này vẫn chưa có gì sánh được qua các thời đại.

Thông lệ của Giáo Hội (và không chỉ của Giáo hội Công giáo!) quy định việc tuyên xưng đức tin cho các ứng viên, trước khi nhận nhiệm vụ giảng dạy thần học. Việc tuyên xưng đức tin đó thường đòi hỏi phải đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính cũng như phải dạy những điều nhất định được chỉ định một cách cụ thể - và tránh dạy những điều khác cũng được nêu rõ một cách cụ thể không kém - mà vào thời điểm đó trong lịch sử là những vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Hãy nghĩ về lời thề chống lại chủ nghĩa hiện đại!

Tôi tin rằng một điều trên hết nên được xác định chắc chắn: bất cứ ai giảng dạy thần học cho các thừa tác viên Phúc Âm trong tương lai phải tin chắc vào thần tính của Chúa Kitô. Điều này nên được xác định chắc chắn thông qua sự phân định thẳng thắn và huynh đệ, thay vì thông qua một lời thề. Sau Công đồng Vatican II (chắc chắn không phải vì Công đồng!), có cả một thế hệ linh mục hoàn thành chủng viện và được thụ phong với những ý tưởng rất bối rối và mù mờ về Chúa Giêsu mà họ phải công bố cho mọi người và thể hiện trên bàn thờ trong các Thánh lễ. Tôi tin chắc rằng nhiều cuộc khủng hoảng trong đời sống linh mục đã bắt đầu và vẫn bắt đầu từ đó.

Đại kết và truyền giáo

Những gì chúng ta đã nêu bật cho đến nay cũng có những hậu quả quan trọng đối với phong trào đại kết Kitô giáo. Có thể có hai loại đại kết: đại kết của đức tin và đại kết của sự hoài nghi; điều thứ nhất liên kết tất cả những người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần; còn điều thứ hai liên kết tất cả những ai hài lòng với việc ‘diễn dịch’ những điều này theo cách riêng của họ và theo hệ thống triết học riêng của họ. Đó là một loại đại kết, trong đó, cùng lắm là tất cả họ đều tin vào những điều giống nhau bởi vì không ai thực sự tin vào bất cứ điều gì, theo nghĩa sâu xa của từ ‘niềm tin’.

Sự phân biệt cơ bản của các loại tinh thần, trong lãnh vực đức tin, không phải là giữa Công giáo, Chính thống giáo và Tin Lành, mà là giữa những người tin vào Chúa Kitô Con Thiên Chúa và những người không tin vào Người; theo thuật ngữ của Thánh Phaolô, là giữa ‘tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta’ (1Cr 1,2), và những người không kêu cầu danh đó.

Một sự hiệp nhất mới và vô hình đang được xây dựng, xuyên suốt các Giáo Hội khác nhau. Sự hiệp nhất thiêng liêng vô hình như vậy, đến lượt nó, lại cần đến sự phân định của thần học và của Huấn quyền, để ngăn cho nó đừng rơi vào nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chủ quan không kiềm chế. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được cám dỗ đó, người ta không thể nào không chú ý đến nó.

Một ‘đại kết tinh thần’ đích thực không chỉ bao gồm việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, mà còn phải bao gồm việc chia sẻ cùng một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Nó bao gồm cái mà Thánh Augustinô gọi là ‘socialetas sanctorum’, nghĩa là sự hiệp thông của các thánh, mà đôi khi đáng tiếc có thể không trùng với ‘Communio Sacramentorum’, tức là có cùng các dấu chỉ bí tích.

Đức tin vào thần tính của Chúa Kitô là điều quan trọng trên hết về phương diện truyền giáo. Có một số nhất định các cấu trúc và tòa nhà bằng kim loại sẽ sụp đổ nếu người ta chạm vào một điểm nhất định hoặc loại bỏ một viên đá nào đó. Việc xây dựng đức tin Kitô là như vậy, và ‘viên đá góc’ của nó là thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Một khi điều đó đã bị loại bỏ, mọi thứ đều tan rã và sụp đổ, bắt đầu từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi được tạo thành bởi ai nếu Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa? Không phải ngẫu nhiên mà một khi thần tính của Chúa Kitô được đặt trong dấu ngoặc, thì Ba Ngôi cũng được đặt trong dấu ngoặc.

Thánh Augustinô nói: ‘Không có gì là kỳ công khi tin rằng Chúa Giêsu đã chết; điều này được tin tưởng ngay cả bởi những người ngoại giáo và những kẻ chống đối chúng ta; mọi người đều tin vào điều đó. Nhưng sẽ là một kỳ tích thực sự tuyệt vời khi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại.’ Và thánh nhân kết luận: ‘Đức tin Kitô là sự phục sinh của Chúa Kitô.’ Điều tương tự cũng phải nói về nhân tính và thần tính của Chúa Kitô, được thể hiện lần lượt qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu là một con người; điều tạo nên sự khác biệt giữa người tin và người không tin là niềm tin rằng Ngài cũng là Thiên Chúa. Đức tin Kitô là thần tính của Chúa Kitô.

‘Biết Chúa Kitô là nhận biết những lợi ích của Ngài’

Những người cải cách nói: ‘Biết về Chúa Kitô là nhận ra những lợi ích của Ngài.’ Chúng ta hãy kết thúc chính xác bằng cách nhớ lại một số lợi ích này, có khả năng đáp ứng nhu cầu sâu sắc nhất của những người cùng thời với chúng ta: đó là nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và vượt qua cái chết.

Đúng là con người hiện đại đã ngừng băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống. Cách đây vài năm, một trí thức nổi tiếng đã viết: ‘Tôn giáo sẽ chết. Đó không phải là một điều ước, cũng không phải là một lời tiên tri cho vấn đề đó. Đó đã là một sự thật đang chờ đợi sự thành toàn của nó… Ngay khi thế hệ của chúng ta và có lẽ thế hệ con cái của chúng ta đã qua đi, không ai còn có thể coi nhu cầu mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa là một vấn đề thực sự cơ bản… Công nghệ đã đưa tôn giáo đến thời kỳ hoàng hôn.’ Chắc chắn, ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống không phải là vấn đề đối với những người đã gán cho mình những ý nghĩa khác. Ngay khi tuổi trẻ, sức khoẻ, danh vọng biến mất, nhiều người bắt đầu hỏi lại câu hỏi đó. Nó lại xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm này của đại dịch, trong đó con người thường bị giam giữ trong nhà của họ, cuối cùng đã có thời gian để suy nghĩ và đặt câu hỏi.

Có một bức tranh, một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hiện đại, truyền tải một cách trực quan đâu là nơi mà xác tín cho rằng cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cuối cùng sẽ dẫn người ta đến. Trên phông nền màu đỏ, một người đàn ông chạy qua cầu và băng qua hai người trông như thể họ không biết hoặc không quan tâm đến bất cứ điều gì; mắt anh ấy mở to; anh ấy kêu lên với hai tay vòng quanh miệng tạo thành một cái loa, rõ ràng là một tiếng kêu tuyệt vọng. Tất nhiên, tôi đang nói đến bức tranh “Tiếng thét” của Edvard Munch.

Chúa Giêsu nói: ‘Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.’ (Ga 8,12). Bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu Kitô có thể chống lại sự cám dỗ lớn lao khi thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, là điều thường dẫn đến tự sát. Ai tin vào Chúa Kitô thì không bước đi trong bóng tối: họ biết mình từ đâu đến, đi đâu và phải làm gì trong thời gian chờ đợi. Trên tất cả, họ biết rằng họ được ai đó yêu thương và rằng ai đó đã hiến mạng sống của chính mình để chứng minh điều đó cho họ!

Chúa Giêsu cũng nói: ‘Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.’ (Ga 11,25). Và sau này, vị Thánh sử sẽ viết cho các Kitô hữu: ‘Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời. […] Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời.’ (1Ga 5,13.20). Chính vì Chúa Kitô là ‘Thiên Chúa thật’, Ngài cũng là ‘sự sống đời đời’ và là Đấng ban sự sống đời đời. Điều này không nhất thiết loại bỏ nỗi sợ hãi về cái chết nhưng mang lại cho người tin Chúa sự chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc bằng cái chết.

Hãy để một điều gì đó của tất cả những điều này bùng lên trở lại trong tâm trí vào các ngày Chúa Nhật khi chúng ta công bố điều thứ hai của Kinh Tin Kính như hiện nay:

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

1. Søren Kierkegaard, Diary, II, A 110 (year 1837).
2. Pliny the Younger, Epistularum liber, X, 96.
3. Philipp Melanchthon, Loci theologici, in Corpus Reformatorum, Brunsvigae 1854, p. 85.
4. See Gandhi on Christianity. Robert Ellsberg (ed). Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1991.
5. R. Bultmann, Glauben und Verstehen, II, Tübingen 1938, p. 258.
6. St Jerome, Dialogus contra Luciferianos, 19 (PL 23, 181): ‘Ingemuit totus orbis et arianum se esse miratus est.’
7. Mk 13:31; Mt 24:35; Lk 21:33.
8. St Augustine, Tractates on the Gospel of John, 26,2 (PL 35,1607).
9. St Augustine, Enarrationes in Psalmos 120, 6.
10. In the magazine MicroMega 2, 2000, pp. 187f.

TT
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Bài suy niệm Mùa Chay thứ ba cho Giáo triều của ĐHY Cantalamessa

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   1544 tin bài trong SUY TƯ » Các Bài Khác
  Bài suy niệm Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha soạn | Vatican News
  Kinh Thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria | TT
  Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu các bạn: hãy dừng cuộc thảm sát này lại! | TT
  Đức tin của Phêrô tăng trưởng như thế nào? | Đức ông Charles Pope
  Sứ điệp Giáng Sinh 2021 | ĐTC Phanxicô
  Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2021 | TT
  Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh của ĐHY Raniero Cantalamessa | J.B. Đặng Minh An
  Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô |
  Bài suy niệm Mùa Chay thứ tư của ĐHY Cantalamessa | ĐHY Cantalamessa
  Thánh Giuse: Người ước mơ | + ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  Bước qua Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu: Suy ngắm Đàng Thánh giá trực tuyến |
  Bài giảng Mùa Chay thứ hai của ĐHY Raniero Cantalamessa
  ĐHY Cantalamessa nói về tội lớn nhất của Giuđa Iscariốt
  Ăn chay có ích gì? | Cao Nguyên
  Các bài học từ Trường Thánh Giuse | Cha Roger Landry - Cao Nguyên dịch
  Ánh sáng vĩnh cửu của Giáng Sinh | Cao Nguyên dịch
  Bài giảng Mùa Vọng thứ ba của ĐHY Raniero Cantalamessa
  Nguyên văn Bài giảng Mùa Vọng thứ hai của ĐHY Raniero Cantalamessa
  Bài giảng Mùa Vọng thứ hai của ĐHY Raniero Cantalamessa | Ngọc Yến
  Bài giảng Mùa Vọng đầu tiên của ĐHY Ranierro Cantalamessa | TT
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 11 tháng 11 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 12-2024
Cầu nguyện cho những người hành hương hy vọng
Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.
For pilgrims of hope
In anticipation of the Church’s next jubilee, the faithful are asked to pray during the month of December that “the coming Church Jubilee Year 2025 strengthens us in our faith, helping us to recognize the risen Christ in the midst of our lives, transforming us into pilgrims of Christian hope.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@