Hãy trở nên khôn ngoan, đây là điều ưu tiên hàng đầu.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TƯ LIỆU » Giáo Tỉnh Hà Nội» GP Lạng Sơn
S  M  L
(Cập nhật: 26/01/2013)
 
I. LỊCH SỬ

   Phần đất giáo phận Lạng Sơn ngày nay thuộc giáo phận Đàng Ngoài (1659-1679). Sau đó, Đàng Ngoài được chia thành Tây và Đông vào năm 1679, giáo phận Lạng Sơn thuộc về Đông Đàng Ngoài. Đến năm 1848, Đông Đàng Ngoài được chia thành Đông và Trung. Năm 1883, giáo phận Đông Đàng Ngoài lại được chia thành Đông và Bắc. Đông sau này thành giáo phận Hải Phòng (1924), còn Bắc sau được chia thành hai: Bắc Ninh (1924) và Lạng Sơn (1939). Các giáo phận Đông, Trung, Bắc được giao cho các linh mục dòng Đa Minh Tây Ban Nha, thuộc tỉnh dòng Manila, coi sóc ngay từ năm 1679.

 

  Nhà Nguyễn thành lập tỉnh Lạng Sơn - Cao Bằng vào năm 1831. Trong suốt 300 năm truyền giáo từ thế kỷ XVII - XIX, chưa thấy có dấu chân các vị thừa sai trên phần đất của giáo phận Lạng Sơn. Để có thể đẩy mạnh công cuộc truyền giáo ở vùng đất này, cuối năm 1913, phần đất của giáo phận Lạng Sơn ngày nay được tách khỏi giáo phận Bắc Đàng Ngoài để làm thành Phủ doãn Tông toà Lạng Sơn (Préfecture Apostolique de Lạng Sơn) và được giao cho các tu sĩ Đa Minh người Pháp thuộc tỉnh dòng Lyon. Ngày 11-7-1939, Phủ doãn Tông toà Lạng Sơn được nâng lên thành Đại diện Tông toà Lạng Sơn. Ngày 24-11-1960, Lạng Sơn trở thành giáo phận chính toà thuộc giáo tỉnh Hà Nội.

 

  Ta có thể tóm tắt một vài giai đoạn chính trong dòng lịch sử giáo phận như sau:

 

1. Thời kỳ khai phá - các cha Đa Minh tới Bắc Việt

 

  Vào thời kỳ khai phá gieo Tin Mừng, dân cư miền rừng núi Cao Bằng - Lạng Sơn chưa hề biết tới Đạo Thiên Chúa. Có lẽ người giáo dân đầu tiên tới đây là ông phó Nhậm (phó lý trưởng), con của Thánh Antôn Nguyễn Đích. Ông phó Nhậm bị đày đi xa (phát lưu) lên Cao Bằng vào năm 1858 thời vua Tự Đức. Cũng khoảng năm này, một đại chủng sinh bị phát lưu lên Lạng Sơn tên là Trần Triêm, tức Cụ Sáu Trần Lục.

 

  Vào năm 1876, tại Cao Bằng có chừng 300 giáo hữu, phần lớn là những người bị triều đình Huế phát vãng lên đây.

 

  Ngày 13-6-1881, một phái đoàn gồm 2 linh mục và 3 thầy giảng do cha Fuentes Phê, thừa sai Đa Minh Tây Ban Nha, hướng dẫn, đi từ Thiết Nha lên thám hiểm miền Lạng Sơn và Cao Bằng. Trước khi về, phái đoàn để lại một thầy giảng ở Cao Bằng và một linh mục ở Lạng Sơn. Sau khi thiết lập nhiều đồn bót trên tuyến biên giới Việt - Trung, quân đội Pháp cần có các vị tuyên uý. Đáp ứng nguyện vọng trên, tháng 3-1895, toà giám mục Bắc Ninh đã cử một linh mục lên Lạng Sơn. Ngài đến lập nhà nguyện tại khu Văn Miếu, Cửa Nam, thị xã Lạng Sơn. Tại đây đã có chừng 50 giáo dân miền xuôi lên lập nghiệp.

 

  Vào các năm 1902-1905, mối quan hệ giữa chính quyền bảo hộ Pháp và các cha Tây Ban Nha trở nên căng thẳng, các cha Đa Minh Tây Ban Nha đề nghị các cha Đa Minh Pháp (Tỉnh dòng Lyon) tới giúp. Ngày 9-2-1902, ba thừa sai Đa Minh Pháp đầu tiên tới Hải Phòng là các cha B. Cothonay Chiểu 48 tuổi, cha Bardol Cảnh 26 tuổi và cha Brébion 35 tuổi. Tháng 9-1903, có thêm ba cha Đa Minh Pháp tới Việt Nam là các cha: Robert, Fraisse và Hedde Minh. Đợt thứ ba, các cha Đa Minh Pháp vào Việt Nam cuối năm 1906 là ba cha: Larmurier, Mazelaigue và De Bellaing.

 

  Vì các cha Đa Minh Pháp muốn có vùng đất riêng để hoạt động, Đức cha Velasco khuyến khích các ngài lên tìm hiểu hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Năm 1908, cha De Bellaing đã tới lập trụ sở đầu tiên tại Bản Quấn, dưới chân núi Mẫu Sơn. Tiếp đó, đầu năm 1909, cha Fraisse lên Cao Bằng lập cơ sở đầu tiên tại Vườn Cam, thị xã Cao Bằng. Năm 1910, cha Bardol Cảnh lập họ đạo Cao Bình (km 9) gần sông Bằng Giang, nơi đây chưa có giáo dân nào.

Ngày 30-12-1913, Thánh Bộ Truyền giáo chính thức ra sắc dụ trao cho Tỉnh dòng Đa Minh Lyon coi sóc vùng Lạng Sơn - Cao Bằng. Tình hình dân số Lạng Sơn - Cao Bằng khi đó có 12.000 người Kinh, 6.000 người Hoa ở những nơi buôn bán, 270.000 người Tày và Nùng, 15.000 người H’mông (Mèo) và người Dao (Mán). Tổng số 300.000 người.

 

2. Thời kỳ phủ doãn tông toà

  (Préfecture Apostolique) 1913-1939

 

  Theo Sắc lệnh Tông toà ngày 30-12-1913, Phủ doãn Tông toà Lạng Sơn gồm hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn và một phần đất tỉnh Hà Giang (phía Đông sông Lô).

 

  Phủ doãn tiên khởi: Đức ông Bertrand Cothonay Chiểu, O.P. (1913-1939)

 

  Ngày 5-6-1914, Đức ông Cothonay Chiểu tiếp nhận phủ doãn tông toà Lạng Sơn với cơ sở vật chất, nhân sự rất khiêm tốn. Khu Văn Miếu, Cửa Nam, thị xã Lạng Sơn, có một căn nhà ba gian và một nhà nguyện nhỏ. Cách thị xã Lạng Sơn 30km có cơ sở thứ hai là nhà nguyện Bản Quấn với vài chục giáo dân. Về nhân sự, ngoài cha De Bellaing ở Bản Quấn, có thêm các cha: Brébion Uý, cha Larmurier Khang, cha Bardol Cảnh và 16 chú (tiểu chủng sinh) cùng đi với các cha lên địa phận.

 

  Sau trận lụt to ngày 14-7-1914 gây thiệt hại lớn cho cơ sở Văn Miếu cũ và khu nhà lá mới dựng thêm, Đức ông đã mua lại khách sạn Hầm Mỏ (Hotel des Mines) ở gần ga Lạng Sơn làm toà giám mục, nhà xứ, nơi đào tạo chủng sinh và thầy giảng. Năm 1923 bắt đầu xây nhà thờ chính toà. Tiếp đó, Đức ông mua thêm khu đồn điền Landrieu, cách toà giám mục 2km, để lập giáo xứ Mỹ Sơn, chiêu mộ giáo dân từ miền xuôi lên và lập tiểu chủng viện tại đó. Đầu năm 1922, chủng viện đã có 11 chú (tiểu chủng sinh) và 7 thầy (đại chủng sinh).

 

  Trong năm 1915, Đức ông Cothonay Chiểu mở thêm các xứ Tà Lùng và Thất Khê.

 

  Đến năm 1919, chỉ còn lại 6 vị truyền giáo tại chỗ nên Đức ông đã yêu cầu Bắc Ninh tăng cường cho 4 vị là cha Nguyễn Đức Linh, cha Nguyễn Đình Lương, cha Đoán, cha Nghĩa. Họ Vĩnh Rật (ngoại vi Đồng Đăng) do cha Savina Vị thuộc Hội Thừa sai Paris phụ trách.

 

  Đại chiến I (1914-1918) vừa kết thúc thì giáo phận đón nhận thêm 5 vị thừa sai: Maillet Bính, Craven Dự, Trouvé, Hameleers Hạnh và Fabien Moos.

 

  Năm 1920, cha Brébion Uý, sau khi đi thăm Cao Bằng về, đã mua ruộng đất để các nhà xứ có nguồn lương thực tại chỗ.

 

  Cuối năm 1921, sau khi đã xây xong nhà thờ và khu nhà xứ Cao Bình khang trang, cha Brébion Uý trở về Lạng Sơn để xây nhà thờ Bản Lìm.

 

  Năm 1922, giáo phận phong chức cho 2 linh mục tiên khởi là cha Hào và cha Thao. Vì sức khoẻ yếu kém, Đức ông xin từ chức và ngày 31-3-1925, Thánh Bộ Truyền giáo có sắc dụ cử cha Maillet Bính làm phủ doãn thứ hai giáo phận Lạng Sơn.

 

  Đức ông Cothonay Chiểu qua đời ngày 27-5-1926 và được an táng tại khuôn viên nhà thờ Mỹ Sơn. Ngài là người có công đầu tập hợp nhân sự, thiết lập các xứ truyền giáo tuyến biên giới Việt - Trung.

 

  Phủ doãn thứ hai: Đức ông Marie Dominique Maillet Bính, O.P. (1925-1929).

 

  Đức ông Maillet Bính là người ưa hoạt động và nhìn xa trông rộng. Vừa nhận nhiệm vụ, ngài đã xây dựng Tiểu chủng viện Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu trên sườn đồi Mỹ Sơn.

 

  Đầu năm 1926, có thêm 3 cha tới giáo phận: cha Robert Tế, cha Hedde Minh và cha Fabien Moos. Sau đó, Đức ông mời các nữ tu dòng Đức Bà Truyền Giáo (Notre Dame de Missions) đến giúp. Dòng đặt trụ sở tại Khu Văn Miếu.

 

  Tháng 2-1927, cha Hameleers Hạnh được cử đi lập xứ Tinh Túc, nơi có mỏ Vonfram và thiếc, cách Cao Bằng 70km.

 

  Đức ông đi Pháp vào tháng 9-1928. Ngày 10-6-1929, bề trên giám tỉnh thông báo: Đức ông Maillet Bính đã xin từ chức phủ doãn và được Thánh Bộ Truyền giáo chấp thuận.

 

  Phủ doãn thứ ba: Đức ông Félix Maurice Hedde Minh, O.P. (1929-1939).

 

  Đức ông Hedde Minh sinh tại Brest, ngày 30-3-1879, trong một gia đình sùng đạo. Học xong tiểu chủng viện, ngài xin gia nhập dòng Đa Minh, rồi qua học tại Rosary Hill (New York, USA) và sau đó sang tu viện Saint Etienne tại Jerusalem (Israel). Ngài thụ phong linh mục tại đó ngày 24-5-1902. Năm 1926, ngài được cử sang Bắc Việt, được giao phụ trách giáo xứ Tà Lùng (Cao Bằng) năm 1927. Ngày 14-7-1929, Thánh Bộ Truyền giáo đã ra sắc lệnh cử ngài làm giám quản tông toà miền Lạng Sơn - Cao Bằng.

 

  Giai đoạn giám quản tông toà (1929-1931)

 

  Đức ông Hedde Minh đề nghị Tỉnh dòng gửi thêm nhân sự. Tháng 11-1929, các linh mục Ange Willigers Huy, Ambroise Gagneux Đạt và Feffro Thể tới Lạng Sơn. Nhờ có ba cha mới sang phụ lực, cha Larmurier Khang được đổi về Bản Lìm để hoàn thành cuốn Giáo Lý Cơ Bản bằng tiếng Tày và thiết lập hệ thống “Nhà Đức Chúa Trời” (Nhà Chung). Trong năm 1929, Đức ông cho xây một nhà nguyện nhỏ cho trại phong ở Cao Bằng. Ngày 21-12, thầy Ngọc là người thứ ba của giáo phận được chịu chức linh mục.

 

  Giai đoạn phủ doãn tông toà (1931-1939)

 

  Thấy công việc của Đức ông Hedde Minh tốt đẹp, Toà Thánh đã bổ nhiệm ngài làm phủ doãn tông toà theo Tông sắc ngày 8-1-1931. Nhân dịp này, cha Maillet Bính tình nguyện trở về giáo phận phục vụ dưới quyền bề trên mới.

 

  Năm 1931, Đức ông Hedde Minh gửi thư yêu cầu tỉnh dòng cho thêm người đến Lạng Sơn, nhưng Thánh Bộ Truyền giáo khuyến khích việc đào tạo nhân sự tại chỗ.

 

  Năm 1934, cha Wiligers Huy bỏ xứ Vĩnh Rật để mở xứ Đồng Đăng là nơi có trục giao thông đường sắt, đường bộ. Nhà thờ Đồng Đăng được khánh thành vào dịp lễ Phục Sinh năm đó.

 

  Ngày 25-4-1936, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn lên Lạng Sơn giảng phòng và truyền chức cho 4 tân linh mục: cha Thu, cha Lộc, cha Khái, cha Quyền. Lần đầu tiên giáo phận được chứng kiến một thánh lễ trọng thể như vậy. Sau đó cha Phê xuống lập xứ Đồng Mỏ nơi có trục giao thông đường sắt, đường bộ đi qua. Cùng năm, cha Wiligers Huy khởi công xây dựng nhà thờ thị xã Cao Bằng.

 

  Năm 1937, cha Ngọc lên lập xứ Nậm Loát.

 

  Cuối năm 1937, giáo phận đón nhận hai vị thượng khách: Đức Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương và cha Gillet, Bề trên Cả dòng Đa Minh.

 

  Tháng 2-1938, mở thêm địa điểm truyền giáo Quảng Uyên, là một làng đông người Nùng, nằm giữa Cao Bằng và Tà Lùng. Tháng 3-1938, thiết lập họ Pò Mã (Thất Khê) do cha B. Desgouts Đề phụ trách. Tháng 4-1938, xây dựng nhà thờ Na Sầm. Ngày 18-12-1938, cha Jacques Mỹ lập xứ Nguyên Bình và phụ trách thêm giáo dân mỏ Tinh Túc. Hằng ngày cha đi ngựa xuống các bản làng thăm hỏi, phát thuốc cho các dân bản.

 

  Từ 1919-1939, công việc truyền giáo tại giáo phận Lạng Sơn đã phát triển đáng khích lệ. Vào thời điểm năm 1939, không kể Đức ông Hedde Minh là giám mục tiên khởi, Lạng Sơn có 30 linh mục (16 người Pháp, 14 người Việt), 8 đại chủng sinh (trong đó có 4 người đang du học tại Pháp), tiểu chủng viện có 40 chú. Giáo phận có tất cả 18 nhà thờ hay nhà nguyện. Các xứ mới mở thêm: xứ Trung tâm Cao Bằng, Nguyên Bình, Quảng Uyên, Đồng Đăng (thay Vĩnh Rật), Na Sầm, Bó Tờ, Pò Mã, Nậm Loát và Đông Khê.

 

3. Thời kỳ đại diện tông toà (Vicaire Apostolique) 1939-1960

 

  Đức ông Hedde Minh được đặt lên chức giám mục đại diện tông toà năm 1939, Đức Khâm sứ Toà Thánh Drapier làm lễ tấn phong ngày 30-11-1939. Khẩu hiệu: “Cứ ra khơi”. Ngài nhận chức trong bối cảnh có nhiều biến chuyển trong và ngoài nước: thế chiến II bắt đầu, phong trào yêu nước do mặt trận Việt Minh phát động ngày một phát triển.

 

  Ngày 26-8-1939, máy bay Nhật từ Trung Quốc tới bỏ bom chợ Thất Khê, rồi quân Nhật kéo vào Lạng Sơn. Cùng với quân Nhật, có những quân phiến loạn lợi dụng thời cơ cướp phá. Nhưng tháng 11-1940, quân Pháp đã trở lại ổn định trật tự. Năm 1941, cha Guibert Hiền đi mở xứ Bình Gia. Năm 1942, cha Paul Mongin mở xứ Chợ Bãi.

 

  Mặc dầu cuộc thế chiến II (1939-1945) đã gây ra nhiều đổ nát tại nhiều nước bên châu Âu, nhưng nhìn chung, tình hình giáo phận vẫn tương đối ổn định. Số giáo dân đã lên tới 5.000 người. Số người Nùng xin nhập đạo đông hơn người Tày. Tại hầu hết các thị trấn, thị tứ trong giáo phận đã có cơ sở truyền giáo cho người địa phương. Có nơi số bổn đạo lên tới 300 hay 500. Có nơi ở rải rác từ 50-100 người. Sự cộng tác giữa vị chủ chăn và giáo dân ngày thêm chặt chẽ, gắn bó như các xứ đạo kỳ cựu.

 

  Giáo phận Lạng Sơn dưới thời Đức cha Jacques Mỹ, giám mục phó với quyền kế vị (1948-1960)

 

  André Réginal Jacques Mỹ sinh ngày 9-11-1905 tại Sèvres, gần Paris, khấn dòng Đa Minh tại Angers ngày 15-8-1927, chịu chức linh mục 22-7-1934. Cha Jacques tới Lạng Sơn ngày 26-12-1936, từng phục vụ tại giáo xứ thị xã Cao Bằng và Nguyên Bình (1938-1945). Ngày 6-6-1946 ngài về Pháp chữa bệnh. Ngày 22-1-1948, cha Jacques Mỹ và cha Haag Xuân trở lại Việt Nam, tới Lạng Sơn và có cha Lorry Lộ đi cùng.

 

  Ngày 6-7-1948, toà khâm sứ Huế điện tín cho biết: cha Jacques Mỹ được cử làm giám mục phó với quyền kế vị. Toà vị Cerasa (Sardes). Khẩu hiệu: “Hiến mạng sống mình cho anh em”.

 

  Ngày 30-9-1949, Đức cha Hedde Minh giao quyền cho Đức cha phó. Đây là một thời gian đầy biến động. Ngày 3-10-1950, quân Pháp rút khỏi Cao Bằng và ngày 17-10-1950, thị xã Lạng Sơn được giải phóng. Trong tháng 10-1950, giáo phận có nhiều thay đổi: 7 cha Pháp sơ tán về Hà Nội (các cha Guillo, Haag Xuân, Mongin, Bardol Cảnh, Lorry Lộ, Dreyer Tân). Ở lại Lạng Sơn chỉ còn hai đức cha, cha Guibert Hiền vẫn ở xứ Thất Khê và cha Nerdeux Lý bị bắt làm tù binh mới được tha. Trước khi rút khỏi Lạng Sơn, quân Pháp thúc ép hai giám mục và giáo dân cùng đi nhưng các ngài nhất định ở lại.

 

  Cuộc di cư năm 1954 đã gây nhiều tổn thất cho giáo phận Lạng Sơn. Phần lớn giáo dân (khoảng 2.500 người) và linh mục, tu sĩ bỏ đi Nam. Ở lại giáo phận còn hai đức cha Hedde Minh và Jacques Mỹ; hai cha Pháp Nerdeux Lý, Guibert Hiền; bốn cha Việt Nam: cha Khái, cha Dụ, cha Đức, cha Thu. Số giáo dân ở lại 2.500 (di cư 50%). Trước năm 1954, có 26 giáo xứ và 26 nhà thờ. Sau chỉ còn 11 giáo xứ và 14 nhà thờ.

 

  Năm 1958, Đức cha Jacques Mỹ và hai cha Pháp còn lại phải rời giáo phận và sau đó các ngài sang Lào truyền giáo. Ngày 4-5-1960, sau khi Đức cha Hedde Minh qua đời, giáo phận chỉ còn 4 linh mục Việt Nam.

 

4. Thời kỳ giám mục chính toà từ 1960 đến nay

 

  Đức cha Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ, giám mục chính toà tiên khởi Lạng Sơn (1960-1998).

 

  Đức cha Phạm Văn Dụ sinh ngày 14-10-1922, trong một gia đình trung lưu và sùng đạo tại Phát Diệm (Ninh Bình), chịu chức linh mục ngày 8-9-1948. Năm 1954, ngài tình nguyện ở lại phục vụ giáo phận. Năm 1959, Toà Thánh đặt ngài lên chức tổng quản giáo phận. Ngay sau đó, ngài được lệnh lên coi xứ Thất Khê thay cha Guibert Hiền từ ngày 29-5-1959.

 

  Những năm tháng ẩn dật (1960-1990)

 

  Ngày 5-3-1960, Toà Thánh lại đặt cha Dụ lên chức giám mục hiệu toà Boseta và ngày 24-11-1960, Đức cha Phạm Văn Dụ trở thành giám mục chính toà Lạng Sơn. Tại Bắc Ninh, ngày 1-5-1979, ngài đã được Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng, giám mục Bắc Ninh, tấn phong.

 

  Về nhân sự, trong giáo phận, ngoài Đức cha Dụ, chỉ còn 3 linh mục: cha Thu ở Cao Bằng, cha Khái ở Mỹ Sơn và cha Đức ở Lộc Bình. Không đào tạo thêm được linh mục, trong khi các linh mục lớn tuổi lần lượt qua đời. Năm 1973, cha Thu qua đời tại Cao Bằng. Năm 1980, cha Khái qua đời khi sơ tán về Bùi Chu. Năm 1990, cha Đức qua đời khi vào Nam chữa bệnh. Chỉ còn lại duy nhất cha Hoàng Trọng Quỳnh được truyền chức năm 1979, khi đã 70 tuổi.

 

  Trong chiến tranh, các cơ sở dần dần bị tàn phá: nhà thờ chính toà nằm kề ga Lạng Sơn đã bị bom san bằng ngày 15-8-1969, toà giám mục và khu Văn Miếu bị hư hỏng nặng, nhà thờ Đồng Đăng nằm cạnh nhà ga cũng bị bom phá huỷ chỉ còn lại bức tường mặt tiền. Năm 1979, nhà thờ Tà Lùng và nhà nguyện khu Văn Miếu bị tiêu huỷ trong cuộc chiến tranh biên giới.

 

  Năm 1990, Đức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ về Lạng Sơn sau 31 năm ẩn dật tại Thất Khê. Toà giám mục được tạm thời đặt tại khu Văn Miếu, Cửa Nam.

 

  Những năm tháng hy vọng (từ 1991 đến 2-9-1998)

 

  Tháng 1-1991, Đức cha vào TP. HCM thăm giáo xứ Lạng Sơn (Xóm Mới) và chữa bệnh. Tháng 8-1991, Đức cha được phép đi thăm Toà Thánh Roma. Ở Roma về, ngài bắt tay vào xây dựng cơ sở. Năm 1993, khởi công xây toà giám mục. Dự định sẽ xây tiếp nhà thờ chính toà nhưng chưa thành. Năm 1995, khởi công xây dựng nhà thờ Thanh Sơn, Cao Bằng. Năm 1996, xây nhà thờ Cao Bình. Sang năm 1997, sức khoẻ của Đức cha ngày một giảm sút. Ngày 9-3-1998, Toà Thánh phê chuẩn đơn xin nghỉ hưu của Đức cha. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ngài đã qua đời lúc 0giờ45 ngày 2-9-1998, sau 38 năm phục vụ Nước Trời trong lặng lẽ bằng chức vụ giám mục của mình.

 

  Giám quản tông toà giáo phận Lạng Sơn (từ 3-1998 đến 6-1999)

 

  Ngày 9-3-1998, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng giám mục Hà Nội, kiêm nhiệm giám quản tông toà giáo phận Lạng Sơn.

 

  Giám mục chính toà đương nhiệm

 

  Ngày 18-6-1999, Toà Thánh chính thức thông báo: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm linh mục Giuse Ngô Quang Kiệt, 47 tuổi, thư ký toà giám mục Long Xuyên, làm giám mục chính toà giáo phận Lạng Sơn. Ngày 29-6-1999, ngài được Đức cha G.B. Bùi Tuần tấn phong giám mục. Ngài về nhận giáo phận vào ngày 11-7-1999.

 

  Ngày 26-4-2003, ĐTC Gioan Phaolô II đã chính thức đặt Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm giám quản tông toà giáo phận Hà Nội.

 

  Ngày 19-2-2005, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt được bổ nhiệm làm Tổng giám mục TGP Hà Nội, kiêm giám quản tông toà giáo phận Lạng Sơn.

  Ngày 3-12-2007, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn.

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ >>
 
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@