Hạnh phúc nào bằng nếu trên đời có một người đồng hành hợp ý.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15091
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
VĂN KIỆN » Truyền Thông
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 10/01/2011 12:00:00 SA)
A  A  A
"Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (2)

Ấn bản thứ hai

 

Nguyên bản: COMMUNICATING IN MINISTRY AND MISSION

Tác giả: FRANZ-JOSEF EILERS, SVD

***

PHẦN I

CÁC NHU CẦU VÀ ĐIỀU KIỆN CHUNG
CỦA TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

3. Việc Truyền thông Tập đoàn của Hội Thánh

Hội Thánh không phải chỉ là một pháp nhân nhưng trước hết và trên hết là một cộng đoàn những con người sống động, những con người có thể được nhìn và đánh giá theo các việc làm, hành động, lối sống và các giá trị nền tảng của họ. Truyền thông Mục vụ cũng như Truyền giáo ăn rễ sâu trong hình ảnh tập đoàn này của Hội Thánh và các phần tử của Hội Thánh. Hội Thánh địa phương cụ thể này dọi chiếu ra cho những người sống chung quanh mình thế nào? Đời sống bên trong của cộng đoàn này và các thành viên của cộng đoàn được phản ánh ra bên ngoài như thế nào? Nó có thật sự phản ánh Nước Thiên Chúa được làm thành hữu hình ở địa phương này hay không?

Yêu cầu đầu tiên để có một sự truyền thông lành mạnh là chúng ta phải ý thức về mình như là một Hội Thánh và thân thể sống động của Đức Kitô. Chúng ta có cái nhìn thế nào về mình và chúng ta phản ánh cái nhìn ấy thế nào? Sứ mạng chúng ta là gì và chúng ta làm thế nào để đáp ứng những kỳ vọng và tiêu chuẩn mà một sứ mạng như thế đòi hỏi?

“Để xây dựng mối quan hệ với các giới ‘công cộng’ khác nhau cả ở trong lẫn ở ngoài, Hội Thánh trước tiên cần làm sáng tỏ nhãn quan, sứ mạng và các giá trị của mình, dựa trên Nước Chúa, trong mọi tình huống và mọi bối cảnh: Tại sao Hội Thánh hiện hữu? Hội Thánh đại diện cho cái gì? Chúng ta đang đi về đâu?” (FABC; BISCOM I, 1997, Orientations 3).

Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở các tín hữu Philípphê (2,14t): “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”.

3.1. Sứ mạng và Tầm nhìn: Chứng tá đời sống

Cái làm nền cho một hoạt động truyền thông hiệu quả không phải là chúng ta muốn mình là gì mà là chúng ta thực sự là gì trong tư cách của một Hội Thánh và cộng đoàn. Ở đây chứng tá đời sống là yếu tố quan trọng nhất để việc truyền thông của chúng ta đáng tin. Đức Phaolô VI trong Tông Huấn về Rao Giảng Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (1975) nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta phải là những chứng nhân sống động về lòng trung thành với Chúa Giêsu - những chứng nhân về nghèo khó và từ bỏ, tự do đứng trước các quyền lực của thế gian này (số 11).

Ở đoạn sau, khi liệt kê bảy “Phương thức Rao giảng Tin Mừng”, ngài bắt đầu ngay với ‘chứng tá đời sống’ như là phương thức đầu tiên để rao giảng Tin Mừng:

“Đối với Hội Thánh, phương thức rao giảng Tin Mừng đầu tiên là làm chứng về một cuộc sống Kitô giáo trung thực, được hiến dâng cho Thiên Chúa trong một sự hiệp thông mà không gì có thể huỷ diệt, đồng thời hiến mình cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn. Như chúng tôi vừa nói cho một nhóm giáo dân: ‘Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này là những chứng nhân’. Thánh Phêrô đã diễn tả rất hay điểm này khi ngài nêu lên gương sáng của một cuộc đời đáng kính và trong sạch không cần nói lời nào mà vẫn có thể chinh phục được những người không tin Lời Chúa (x. 1 P 3,1). Vì vậy, chủ yếu nhờ hạnh kiểm và đời sống của mình mà Hội Thánh sẽ có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nói khác đi, nhờ sống chứng tá lòng trung thành của mình với Chúa Giêsu - chứng tá về nghèo khó và từ bỏ, về tự do trước các quyền lực của thế gian này, tóm lại, chứng tá về sự thánh thiện” (số 41).

Ở đoạn trên (số 21) trong cùng văn kiện này, ngài mô tả động năng của chứng tá đời sống bằng những lời sau đây, không chỉ áp dụng cho việc truyền thông rao giảng Tin Mừng mà thôi: “Hãy nhìn một người Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu khi họ sống giữa cộng đồng của họ: họ bộc lộ khả năng thấu hiểu và chấp nhận người khác, chia sẻ cuộc đời và số phận với người khác, liên đới với họ trong mọi cố gắng cao đẹp và tốt lành của họ. Hơn nữa, giả sử họ chiếu toả một cách hoàn toàn đơn sơ và chân thật niềm tin của họ vào các giá trị vượt lên trên các giá trị hiện hữu, và niềm hy vọng của họ vào một điều gì mà con mắt thông thường không xem thấy và không ai dám tưởng tượng. Bằng việc chứng tá không lời này, các các Kitô hữu này khơi dậy những câu hỏi không thể cưỡng lại được nơi lòng trí những ai trông thấy cách họ sống: Tại sao họ thích điều này? Tại sao họ sống theo cách này? Cái gì hay ai khơi dậy những điều đó? Tại sao họ sống giữa chúng ta? Một chứng tá như thế đã là một việc loan báo Tin Mừng một cách âm thầm và là một chứng tá rất mạnh và hiệu quả...”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp Truyền giáo Redemptoris Missio (1990) cũng lặp lại cùng mối quan tâm này và vạch ra các hình thức chứng tá khác nhau mà Hội Thánh và các thành viên của Hội Thánh phải sống (số 42):

“Chứng tá của đời sống Kitô giáo là hình thức truyền giáo đầu tiên và không thể thay thế: Chúng ta tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, Người là chứng nhân tuyệt hảo (Kh 1,5; 3,14) và là mẫu mực của mọi chứng tá Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đồng hành với Hội Thánh trong cuộc lữ hành này và liên kết Hội Thánh với chứng tá của Người về Đức Kitô (x. Ga 15,26-27).

a. Hình thức chứng tá đầu tiên chính cuộc sống của người truyền giáo, của gia đình Kitô giáo, và của cộng đoàn Hội Thánh, nó bộc lộ một cách sống mới. Dù mang những giới hạn và khiếm khuyết của con người, nhưng nếu người truyền giáo sống một nếp sống đơn sơ, lấy Đức Kitô làm mẫu mực, thì họ là ột dấu chỉ về Thiên Chúa và về các thực tại siêu việt. Nhưng mọi người trong Hội Thánh khi cố gắng bắt chước Thầy Chí Thánh thì đều có thể và phải thể hiện kiểu chứng tá này (x. LG 28,35.38; GS 43; AG 11-12); trong nhiều trường hợp, đây là cách duy nhất họ có thể làm để là một người truyền giáo.

b. Chứng tá Tin Mừng lôi cuốn nhất đối với thế giới là chứng tá về sự quan tâm tới con người, và về lòng bác ái đối với những người nghèo, những người yếu đuối và những người đau khổ. Lòng quảng đại hoàn toàn trong thái độ và trong các hành động này tương phản hẳn với tính ích kỷ của con người. Nó nêu lên chính những câu hỏi dẫn đến Thiên Chúa và Tin Mừng. Sự dấn thân cho hoà bình, công lý, nhân quyền và thăng tiến con người cũng là một chứng tá cho Tin Mừng khi nó là một dấu hiệu về sự quan tâm tới con người và nhắm tới sự phát triển toàn diện con người.

c. Các Kitô hữu và các cộng đoàn Kitô hữu là thành phần rất gắn bó của đời sống dân tộc của họ và có thể là một dấu chỉ của Tin Mừng về lòng trung thành với tổ quốc, với nhân dân và với văn hoá dân tộc của họ, trong khi vẫn giữ được sự tự do mà Đức Kitô đã đem đến cho họ. Kitô giáo mở ra với tình anh em bốn bể một nhà, vì mọi người đều là con trai con gái của cùng một Cha và là anh chị em với nhau trong Đức Kitô.

d. Hội Thánh được kêu gọi làm chứng cho Đức Kitô bằng cách giữ một lập trường can đảm và tiên tri trước tình trạng tham nhũng của quyền lực chính trị và kinh tế, bằng việc không tìm kiếm của cải và danh vọng cho riêng mình; bằng việc sử dụng mọi nguồn lực mình có để phục vụ những người nghèo khổ nhất và noi gương đời sống đơn sơ của chính Đức Kitô...” (số 43).

3.2. Truyền thông Công cộng/Quan hệ Công cộng

Trong nhiều năm qua, nhu cầu về các mối quan hệ công cộng đối với Hội Thánh đã được nhấn mạnh rất nhiều. Chính các Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971) và Aetatis Novae (1992) đã từng nhấn mạnh rằng Hội Thánh “phải quan tâm tới các nguyên tắc của các mối Quan hệ Công cộng” (C&P 174; xem AN 31). Một số người coi các Quan hệ Công cộng (QHCC) chỉ là một cách để quảng cáo, bán sản phẩm và làm cho người ta tin thay vì đưa họ vào chính thực tế, như được thấy rõ qua câu truyện sau đây của người kế toán thuê Narayan Swamy, người Ấn Độ, được trình bày tại hội nghị hằng năm của “Trung tâm Truyền thông Đại chúng và Thông tin Châu Á” ở Kuala Lumpur năm 1997:

Swamy là một típ người trung bình về nhiều mặt. Anh sống một nếp sống trung bình. Và khi anh chết, Thần Chitragupta, kiểm toán viên của Trời đã lập một bảng tổng kết các việc tốt và các việc xấu của anh và kết quả cũng là một tỉ lệ 50:50%.

Thần Chitragupta bảo Swamy rằng vì các việc tốt và xấu của Swamy ngang nhau, nên ngài không thể quyết định. Vì vậy chính Swamy phải chọn. “Nhưng tâu Ngài,” Swamy vốn tính hay bối rối từ khi còn sống bây giờ lại càng bối rối nói, “làm sao con biết được điều gì là tốt cho con?” “Đừng lo”, thần Chitragupta nói. “Ta sẽ giới thiệu ngươi với phát ngôn viên của thiên đàng và của hoả ngục, họ sẽ góp ý cho ngươi”.

Người phát ngôn của thiên đàng trong trang phục đơn sơ dẫn Swamy tới một cửa sổ ở phía góc - một cửa sổ mở vào thiên đàng. Swamy nhìn qua cửa sổ này. Quang cảnh có thể được mô tả là huyền ảo. Có những núi toàn là bơ với những con sông sữa chảy qua, rồi cũng có những vại mật ong. Thần Rishis và thần Gurus đang ngồi suy niệm trên tảng đá.

“Tuyệt”, Swamy nói, “bây giờ xin cho con xem hoả ngục”.

Người phát ngôn của hoả ngục trong trang phục thời thượng Saville Row, miệng phì phà điếu Dunhill. Hắn mời Swamy một điếu và hỏi xem anh ta thích một ly bia hay rượu gin trước khi xem hoả ngục. “Chuyện ấy để sau”, Swamy đáp. “Cho tôi xem hoả ngục trước đã”. Anh được đưa sang một góc khác, chỗ có một cửa sổ mở vào hoả ngục. Quang cảnh trông rất giống ở hành lang khách sạn Hilton. Rất đông những quý ông quý bà trang điểm trau chuốt từ đầu đến chân đang ngồi trên các tảng đá xung quanh, miệng nhâm nhi những ly rượu nho và rượu mạnh. Họ thưởng thức những món ăn đắt tiền và thảo luận về các vụ chém giết họ đã làm tại các thị trường chứng khoán. Họ thưởng thức âm nhạc và các vũ điệu má kề má. Ai nấy đều có một thời gian thoải mái siêu vời. “Đủ rồi, đủ rồi”. Swamy nói, lần đầu tiên anh ta dám ra khỏi cái hiện hữu tẻ nhạt, tầm tầm của mình để gia nhập giới thượng lưu. “Tôi chọn hoả ngục”, anh la lên.

Cổng hoả ngục mở ra. Sau khi đi qua những dãy hành lang tối om, Swamy được một thiên thần xinh đẹp của hoả ngục dẫn tới một căn hầm hơi nóng. Anh bị cột vào một cái cột và bị một thằng quỷ dùng roi quất cho không thương xót, trong khi một thằng quỷ khác đổ dầu sôi lên đầu anh, và một thằng thứ ba lấy một thanh sắt nung nướng thịt anh ta. Mặc kệ cho anh ta nài nỉ xin nước, bọn chúng không cho. “Dừng lại, dừng lại”, Swamy hét lên với người phát ngôn của hoả ngục trong khi hắn rút đi. “Đây không phải cái mà ông đã cho tôi xem!” Người phát ngôn biến đi mà không thèm ngoái đầu nhìn lại.

Swamy van xin các tên quỉ và nói rằng anh ta đã bị dẫn đến sai chỗ vì lầm. “Không có lầm lẫn nào cả”, một tên quỷ nói. “Nhưng ông ấy đã cho tôi xem một chỗ khác,” Swamy cãi lại. “Tất nhiên”, tên quỷ đáp, “ông ấy là Trưởng Phòng Quan hệ Công cộng của chúng tôi!”

Dứt khoát Hội Thánh không quan tâm tới loại quan hệ công cộng giả trá và bội tín như thế. Đối với Hội Thánh, các quan hệ công cộng có nghĩa là các quan hệ của mình đối với quần chúng phải dựa trên thực tế, sự kiện và sự thật. Quan tâm của Hội Thánh là ‘làm điều thiện và phổ biến điều thiện’ nhưng Hội Thánh cũng lo sao để người ta nhìn Hội Thánh và chúng ta như là những thành viên của Hội Thánh.

Bên cạnh thái độ cởi mở cơ bản đối với người khác, nói một cách cụ thể điều này còn có nghĩa là:

* Cung cấp thông tin thích hợp. Người ta biết gì về chúng ta? Chúng ta có tỏ lộ đủ thông tin khi tiếp xúc với họ không? Chúng ta có cho họ thông tin cụ thể về đời sống, các sinh hoạt, mong đợi, nguyện vong, kế hoạch và việc phục vụ của chúng ta không? Những thông tin này phải hoàn toàn dựa trên sự thật và phản ánh đúng thực tại của chúng ta.

* Cung cấp giải thích. Rất thường xuyên việc cung cấp thông tin đơn thuần mà không cho biết bối cảnh thì không đủ. Trong nhiều trường hợp, cần phải cho thêm các lời cắt nghĩa và giải thích, đặc biệt đối với những người ở ngoài Hội Thánh vì có thể họ không quen với các thuật ngữ và khái niệm thần học cơ bản. Không phải mọi người ở ngoài Hội Thánh - và đôi khi cả ở trong Hội Thánh - có thể hiểu ngay ý nghĩa của các lời nói, hành động, nghi thức và biểu tượng. Rất nhiều khi chúng ta phải cắt nghĩa: Tại sao chúng ta làm điều này, tại sao chúng ta thích điều này, mục tiêu và mục đích của chúng ta là gì?

* Thích nghi với con người và với hoàn cảnh. Các thông điệp và thông tin phải được thích nghi với thính giả mà chúng ta đang nói với. Vì vậy phía chúng ta cũng cần phải có một sự hiểu biết chi tiết về những người mà chúng ta nói với: Các hình ảnh và các khung tư tưởng của họ là gì? Họ có hình ảnh gì về Hội Thánh và các tín hữu? Họ có các thành kiến gì, các kinh nghiệm và các mong đợi gì?

* Chọn đúng các phương tiện truyền thông. Đâu là những phương tiện có sẵn trong một tình huống nhất định và đâu là những phương tiện thích hợp hơn và đáng ao ước hơn đối với thính giả mà chúng ta muốn đạt tới? Làm thế nào phối hợp một số phương tiện ấy và nối kết chúng với nhau để làm cho các thông tin và sự hiểu biết sáng tỏ hơn và có một ảnh hưởng lớn hơn?

Một ví dụ rất hay về thách thức của các nhu cầu Quan hệ Công cộng cơ bản trong một giáo xứ đã được trình bày bởi cố tác giả F.C. Borlongan, một tác giả viết bài xã luận trên Nhật Báo “Manila Bulletin” ở Manila. Ông đã chia sẻ các kinh nghiệm và tư tưởng của ông về vai trò ‘những ngọn cờ đầu’ trong các giáo xứ như sau, dưới tiêu đề: Nhu cầu của các giáo xứ: Các Quan hệ Công cộng và các bộ phận thông tin (19-1-1997):

... những người tiền tuyến trong giáo xứ buộc phải thực hành những mối quan hệ con người và công cộng. Vì sự thiếu hiểu biết phổ biến về giáo lý, chính sách và các việc thực hành của Hội Thánh, nên một bộ phận thông tin được quản lý tốt là điều không gì có thể thay thế được.

Và nếu trong giáo xứ những người phải nêu gương sáng trong các quan hệ tốt về con người và công cộng, thì đó phải là ‘những ngọn cờ đầu’ như cha xứ, thư ký văn phòng giáo xứ, các người lo phòng thánh và các thừa tác viên giáo dân.

Quan hệ công cộng có nghĩa là cố gắng làm điều tốt và phục vụ công cộng, đồng thời phổ biến các việc làm tốt để các cá nhân và các nhóm khác có thể noi gương. Cố gắng này có một cơ sở Kinh Thánh: ‘Ánh sáng của anh em phải chiếu toả trước những người khác để họ thấy các việc lành của anh em mà tôn vinh Cha anh em ở trên trời’ (Mt 5,16). Quan hệ con người có nghĩa là đối xử với người khác với lòng kính trọng, lịch thiệp và sẵn sàng giúp đỡ. Đó là hành động của người láng giềng tốt phát xuất từ một tập hợp các thái độ và các giá trị nhân bản vững chắc.

Hai hôm trước ngày bắt đầu lễ “Simbang Gabi” (16-12), tôi gọi điện đến một đền thờ ở EDSA để hỏi thông tin về thời biểu các thánh lễ rạng đông. Một phụ nữ giọng rất trẻ trung trả lời, nhưng ngay lập lức cô thốt ra một câu hỏi thừa và vô ích, nếu không muốn nói là ngu ngốc: Ông muốn biết để làm gì? Hoàn toàn chưng hửng, tôi nói tôi đang viết cho tờ Manila Bulletin và rất vui để loan báo thời biểu của lễ ‘Simbang Gabi’ tại đền thờ này. Tôi nghĩ bụng cô ta (và cha xứ hay giám đốc của cô ta) sẽ rất vui khi biết rằng các thánh lễ rạng đông sẽ được quảng bá. Cô đáp, ‘Tôi không biết’ rồi gác máy. Vai trò của một ngọn cờ đầu là phải nắm rõ thông tin về các chương trình và thời biểu sinh hoạt của giáo xứ cũng như phải được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về các quan hệ công cộng tốt đẹp và hiệu quả. 

Rồi tôi thử gọi cho một văn phòng giáo xứ ở Grace Park, Thành phố Caloocan, và nêu lên cùng một câu hỏi. Cô thư ký văn phòng giáo xứ trả lời rằng cô không biết gì về các thánh lễ rạng đông. Cô bảo tôi đợi để cô tìm xem có ai biết hay không. Thêm hai giọng nói khác nhìn nhận rằng họ cũng chẳng biết gì...

Philip Chesterfield (1694-1773), một chính khách và nhà văn Anh, nói rằng phép lịch sự đích thực hay phép xã giao chân thực có nghĩa đơn giản là đối xử, nói chuyện và hiểu người khác như bạn muốn mình được người khác đối xử, nói chuyện và thấu hiểu. Một ví dụ về thái độ bất lịch sự và kém xã giao tôi được chứng kiến có thể đã xảy ra nhiều lần trước rồi tại những nơi khác. Một người đàn ông bước vào một văn phòng giáo xứ để hỏi về thời gian, lệ phí và các yêu cầu để lãnh phép rửa tội. Ông lập tức bị la mắng với lý do là ông không chịu đọc tờ thông báo ở cửa nhà thờ. Người đàn ông im lặng. Rồi người ta hỏi con ông là con hợp pháp hay con tự nhiên. Ông không biết các từ ‘hợp pháp’ và ‘tự nhiên’. Thế là cô thư ký lên giọng chửi ông là ngu dốt. Nhưng nếu có người không những ngu dốt mà còn mất ý thức về tình huynh đệ và các mối quan hệ con người, thì người ấy phải là chính cô thư ký giáo xứ. Vì bản thân cô không biết rằng chỉ có 15% người Công giáo đi nhà thờ thường xuyên...

Các ví dụ trên đây tự chúng đã rõ nghĩa. Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971) đòi hỏi “mọi giáo phận, mọi Hội đồng Giám mục hay Đại hội Giám mục” phải có “người phát ngôn hay đặc trách báo chí chính thức và thường trực” (số 174). Nhưng trên thực tế, không phải chỉ có người phát ngôn hay cán bộ quan hệ công cộng phản ánh quan điểm của Hội Thánh. Mọi thành viên đều là một cán bộ quan hệ công cộng của Hội Thánh theo cách riêng của mình trong các mối tiếp xúc thân thiện với những người xung quanh và biết thích nghi cách đối xử của mình với họ trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae (số 31) trình bày như sau các mối quan hệ công cộng của Hội Thánh như là một phần của một kế hoạch mục vụ về Truyền thông Xã hội:

* Aetatis Novae nói về các mối Quan hệ Công cộng (số 31)

“Các mối quan hệ công cộng được thực hiện bởi Hội Thánh có nghĩa là việc truyền thông tích cực với cộng đồng qua các phương tiện đạo và đời, bao gồm sự sẵn sàng truyền thông các giá trị Tin Mừng và công khai hoá các hoạt động mục vụ và các chương trình của Hội Thánh. Hội Thánh cần phải làm hết sức mình để bảo đảm rằng hình ảnh của mình phản ánh trung thực về Đức Kitô.

Một Kế hoạch Mục vụ về Truyền thông Xã hội phải tìm cách:

a. Tổ chức các văn phòng Quan hệ Công cộng với nguồn nhân lực và tài lực cân xứng để tạo một hoạt động truyền thông hiệu quả giữa Hội Thánh và toàn thể cộng đồng bao có thể.

b. Xuất bản sách báo và sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và viđêo có chất lượng tốt nhất, có khả năng làm cho người ta thấy rõ ràng thông điệp Tin Mừng và sứ mạng của Hội Thánh.

c. Lập các giải thưởng về truyền thông và các phương thức nhìn nhận khác hầu khích lệ và nâng đỡ các chuyên gia truyền thông.

d. Cử hành Ngày Thế giới Truyền thông như một phương tiện để gây ý thức về tầm quan trọng của truyền thông xã hội và hỗ trợ các sáng kiến truyền thông của Hội Thánh”.

Hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh là cơ sở cho mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo. Hơn nữa, Truyền thông Mục vụ trong Hội Thánh cũng có thể giúp phát triển và tạo ra một hình ảnh tích cực hơn về Hội Thánh và các thành viên Hội Thánh cho người ngoài.

Một việc rất hữu ích không những cho hoạt động truyền thông công khai của Hội Thánh mà cả trong nội bộ Hội Thánh, phản ánh hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh, đó là tìm hiểu các qui luật và kinh nghiệm về Truyền thông trong Kinh doanh. Truyền thông kinh doanh quan tâm tới các cách thức và phương tiện truyền thông trong và cho các doanh nghiệp. Các hình thức khác nhau hiện có, các phương tiện được sử dụng và các kỹ năng được phát triển cho việc truyền thông trong kinh doanh cũng là những điều thiết yếu cho việc truyền thông trong Hội Thánh và trong mục vụ, và có thể tuỳ nghi được áp dụng. Giữa nhiều điều khác, truyền thông kinh doanh quan tâm tới các cách truyền thông trong các công ty. Nó quan tâm tới các cách đối xử và tương tác với khách hàng, phỏng vấn, phát huy tài nghệ viết các tin tức và các bản tường thuật, cách chuẩn bị các cuộc giới thiệu và xuất bản. Các sách viết về truyền thông kinh doanh có rất nhiều và chắc chắn rất hữu ích cho người truyền thông mục vụ trong công việc hằng ngày.

* Truyền thông trong Kinh doanh

Một khoá học đặc biệt về Truyền thông Kinh doanh có thể gồm các môn học sau:

1. Căn bản: Truyền thông Kinh doanh là gì? Các yếu tố: Nghe; hiểu hoạt động truyền thông không lời nói; truyền thông liên văn hoá. Xây dựng êkíp; Căn bản về ngữ pháp và ngôn ngữ.

2. Truyền thông viết: Lập kế hoạch các thông điệp truyền thông; tổ chức và biên soạn, duyệt lại các Thông điệp Thiện chí - các Thông điệp Không vui. Viết các thông điệp thuyết phục: thư, bản ghi nhớ, E-mail... Sửa các biểu tượng; biên tập.

3. Truyền thông bằng lời: Lập kế hoạch, viết, trình bày các bản tường trình và các đề nghị; chuẩn bị và đọc các bài thuyết trình... Hoàn tất các bản tường trình và các bài giới thiệu chính thức.

4. Truyền thông việc làm: Viết các sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Phỏng vấn xin việc và các bước tiếp theo...

5. Công nghệ và kỹ thuật Truyền thông: Sử dụng Internet và các công nghệ khác; tìm, đánh giá và xử lý thông tin; định dạng và trình bày các văn kiện và các bản báo cáo kinh doanh; cung cấp và chuyển giao các phương tiện kỹ thuật về tường trình và giới thiệu. Đánh giá các nhu cầu và mong đợi của khách hàng.

Tương tự, các kinh nghiệm về Truyền thông trong lĩnh vực Tổ chức cũng có thể được áp dụng ở đây. Tiếc rằng cả hai lãnh vực truyền thông kinh doanh và truyền thông tổ chức rất hiếm khi được ứng dụng trong các tổ chức của Giáo Hội, mặc dù chúng cung cấp các qui luật và tư liệu để xử lý trong nội bộ các tổ chức cũng như đối với người ngoài. Các người truyền thông Kitô giáo cũng phải coi việc huấn luyện tài nghệ truyền thông kinh doanh là một yếu tố thiết yếu. Nó phải là thành phần của việc huấn luyện mục vụ bởi vì nó liên quan cụ thể với các loại và hình thức truyền thông, các phương tiện sử dụng, sự phát triển tài nghệ, liên lạc thư từ, nói trước công chúng và viết.

Đôi khi hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh bị nguy hiểm vì các sự kiện không lường trước, các sự kiện này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và các hoạt động này của Hội Thánh như trong các trường hợp gây tai tiếng hay các chuyện tiêu cực khác được phổ biến rộng rãi và có thể bị “xuyên tạc” bởi các phương tiện truyền thông. Ở đây cần học hỏi các suy tư và hướng dẫn về Xử lý khủng hoảng. Xin xem chi tiết ở Phần II, 7.

3.3. Hội Thánh và Phương tiện Đại chúng/Đa Phương tiện

Trong tư cách tập đoàn của mình, Hội Thánh không thể tránh cặp mắt của các Phương tiện Đại chúng cũng như các Đa Phương tiện đang ngày càng gia tăng. Các phương tiện này không chỉ đưa thông tin về Hội Thánh mà còn đánh giá và phê bình Hội Thánh. Vì vậy cần có một cố gắng mục vụ đặc biệt để luôn luôn sẵn sàng và kiên nhẫn tìm cách cung cấp thông tin và cắt nghĩa đúng mỗi khi cần thiết.

Mặt khác, công dụng và khả năng của các Phương tiện Đại chúng và Đa Phương tiện cũng góp phần vào đời sống và sự tăng trưởng bên trong của Hội Thánh, cũng như có thể hữu ích trong các mối quan tâm mục vụ đặc biệt.

Tuy nhiên, cũng cần ý thức rằng giữa Hội Thánh và các Phương tiện Đại chúng có một số khác biệt căn bản không dễ gì san bằng. Nhà thần học Mỹ và nay là Hồng y Avery Dulles (1994) đã liệt kê ra những khác biệt sau:

 

Hội Thánh (là):

 

 

Các Phương tiện Đại chúng (là):

·         Mầu Nhiệm đức tin

·         Tìm tòi, nghiên cứu

·         Tin Mừng vĩnh cửu duy nhất và liên tục

·         Mới lạ, chóng qua, ‘ồn ào’

·         Thống nhất và Thâm trầm

·         Bất đồng, Xung đột

·         Ân sủng, phước lành thiêng liêng mới

·         Tường thuật cụ thể, chọn lọc

·         Phẩm trật, uy quyền của Đức Kitô

·         Tiêu chuẩn ‘dân chủ’

·         Phức tạp và tinh tế trong giảng dạy -Thần học phát triển qua các thời đại

·         Tìm kiếm các ‘câu truyện’ - ngắn, đơn giản, giật gân

·         Thuyết phục người nghe về Sự Thật của Mặc Khải và dấn thân.

·         Các sự kiện mọi người có thể tiếp cận, chấp nhận và thích thú

 

Đức Gioan Phaolô II tìm cách giải quyết một số khác biệt này, và ngài diễn tả ý tưởng của ngài trong thông điệp thường niên của ngài nhân Ngày Thế giới Truyền thông 1999 như sau (số 3):

“Trong cuộc hành trình tìm kiếm của con người, Hội Thánh muốn làm bạn với các phương tiện truyền thông vì biết rằng mọi hình thức hợp tác đều mang lại lợi ích cho mọi người. Hợp tác cũng có nghĩa là chúng ta sẽ biết rõ nhau hơn. Thỉnh thoảng các mối quan hệ giữa Hội Thánh và các Phương tiện Truyền thông có thể bị lu mờ vì sự hiểu lầm lẫn nhau, dẫn đến sợ sệt và nghi kỵ lẫn nhau. Đúng là văn hoá Hội Thánh và văn hoá truyền thông khác nhau; thực vậy, có một sự tương phản rõ rệt ở một số điểm. Nhưng không có lý do gì để các khác biệt này khiến chúng ta không thể thân thiện và đối thoại với nhau. Trong nhiều mối tình bạn thâm sâu nhất, chính những khác biệt khích lệ sự sáng tạo và bắc cầu.

* Văn hoá tưởng nhớ của Hội Thánh có thể cứu văn hoá ‘tin tức’ nhất thời của phương tiện truyền thông khỏi sự quên lãng làm xói mòn hi vọng; và các phương tiện truyền thông có thể giúp Hội Thánh loan báo Tin Mừng trong tất cả sự tươi mát bền vững của nó trong thực tế đời sống hằng ngày của con người.

* Văn hoá khôn ngoan của Hội Thánh có thể cứu văn hoá thông tin của các phương tiện truyền thông khỏi trở thành một sự chồng chất vô nghĩa các sự kiện; và các phương tiện truyền thông có thể giúp sự khôn ngoan của Hội Thánh bén nhạy trước hàng loạt những tri thức mới đang xuất hiện hôm nay.

* Văn hoá niềm vui của Hội Thánh có thể cứu văn hoá giải trí của các phương tiện truyền thông khỏi trở thành một sự thờ ơ trốn tránh sự thật và trách nhiệm; và các phương tiện truyền thông có thể giúp Hội Thánh truyền thông với con người một cách tốt hơn, lôi cuốn và thậm chí tạo nhiều hứng thú hơn.

* Đây chỉ là một ít ví dụ cho thấy một sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tinh thần thân thiện và ở mức độ sâu xa hơn có thể gúp cả Hội Thánh lẫn các phương tiện truyền thông phục vụ con người thời nay trong việc tìm kiếm ý nghĩa và sự hoàn thành bản thân”.

Một thách thức đặc biệt đối với hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo là phải đem sự khôn ngoan của đức tin và Hội Thánh vào trong đời sống cụ thể của con người. Tuy nhiên thách thức này đòi người truyền thông phải có hiểu biết về mọi phương tiện khác nhau và phát triển các năng khiếu cần thiết để áp dụng chúng một cách chuyên nghiệp nhưng cũng đầy tràn Thánh Thần.

Hồng Y Martini trong một chuyến thăm toà soạn báo Corriere della Sera tại Milan ngày 23-1-2001, đã cống hiến 5 hướng dẫn cơ bản cho các phóng viên khi so sánh công việc của họ với thừa tác vụ tư tế và tiên tri khiến họ cũng là những người truyền thông mục vụ. Ngài đề nghị các điểm nòng cốt sau đây cho thế giới truyền thông: quan tâm, có chỗ cho các biểu tượng, khả năng nắm bắt các dấu hiệu hy vọng, dẹp bỏ sự tôn thờ cá nhân, chú ý tới đời sống thường ngày của Hội Thánh.

Theo lời tường thuật của Hãng Thông tấn Zenith (ngày 24-1-2001), “từ ‘quan tâm’ đòi hỏi lòng khiêm tốn cần thiết để hiểu những khó khăn của việc truyền thông các sự kiện tôn giáo. ‘Trong giới phóng viên, người ta có khuynh hướng đơn giản hoá sự việc’, Hồng Y nhận xét. Về việc dành chỗ cho các biểu tượng, HY Martini nhắc tới việc mở Cửa Thánh của Đền Thánh Phêrô, một nghi lễ đã được hai triệu người trên 60 quốc gia theo dõi. Các phóng viên cũng phải nhạy bén để nắm bắt nhanh các dấu hiệu hy vọng trên khắp thế giới - một liều thuốc giải độc chống lại chủ nghĩa bi quan, ‘căn bệnh thực sự của thế giới Phương Tây’. Ở điểm thứ bốn, Đức Hồng Y nhấn mạnh nhu cầu giảm thiểu sự ‘tôn thờ cá nhân’ liên quan tới Hội Thánh. Điều cần phải đề cao là sự vĩ đại của cộng đoàn Kitô giáo, vượt lên trên đời sống của những cá nhân thành viên của cộng đoàn ấy. Sau cùng, Đức Hồng Y nhấn mạnh nhu cầu chú ý tới đời sống thường ngày của Hội Thánh, tới sứ mạng của Hội Thánh, là cái vượt lên trên hàng loạt các sự kiện lớn lao và ngoạn mục”.

4. Các đường lối của Hội Thánh đối với Truyền thông Xã hội

Đức Giêsu Kitô, Người Truyền Thông Hoàn Hảo như cách gọi của Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio, thực sự là một bậc thầy trong việc truyền thông với dân chúng vào thời của Người. Người sử dụng mọi phương tiện Người có để loan truyền Tin Mừng tình yêu của Cha cho dân chúng xung quanh. Người đã truyền thông

* cho mọi người, những người đơn sơ sống quanh Người cũng như những người trí thức như Pharisêu và luật sĩ.

* với mọi phương tiện Người có bằng lời nói và việc làm, bằng phép lạ và chữa lành bệnh tật, bằng các hành động và cử chỉ, bằng thinh lặng và sau cùng bằng việc hiến mạng sống mình.

* ở mọi nơi có thể: Người truyền thông trong các Hội đường Do Thái và nơi phố chợ, trên núi và trên biển, nơi công cộng và tại nhà riêng, và Người cũng tìm những nơi rất riêng tư cho các cuộc trao đổi cá nhân như với Nicôđêmô và người phụ nữ bên giếng nước;

* bằng ngôn ngữ trong giảng dạy, nhưng Người cũng dùng những ngôn từ đe doạ và không ngại dùng một thứ ngôn từ cởi mở và đôi khi cả mắng chửi.

Chúng ta có thể nói không sai rằng cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu thấm nhuần và hoàn toàn tràn đầy sứ mạng truyền thông. Chính Người đã nhân bản hoá việc truyền thông trong mọi việc Người làm.

Chúng ta cũng có thể cảm thấy một tinh thần ‘hoàn toàn truyền thông’ giống như thế nơi các Kitô hữu tiên khởi, được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ, tường thuật đầu tiên về một Hội Thánh truyền thông. Sau khi được Thánh Thần ban sức mạnh vào ngày Hiện Xuống, các môn đệ ra đi khắp thế giới để truyền thông sứ điệp của Đức Kitô. Ở đâu họ không được tiếp đón, họ bỏ đi nhưng lại tìm thấy các cánh cửa khác mở ra cho việc rao giảng. Họ lắng nghe Chúa Thánh Thần và bất cứ nơi nào Thánh Thần đưa họ đến, họ đều truyền thông đức tin và kinh nghiệm của họ bằng mọi cách có thể. Mặc dù không có bất cứ phương tiện truyền thông ghê gớm nào của thế giới hôm nay, Hội Thánh Kitô đã phát triển khắp vùng Địa Trung Hải cho tới Rôma và tới tận Tây Ban Nha.

Chỉ sau này khi Hội Thánh được thiết lập một cách chính thức hơn và được cả các quyền lực thế tục nhìn nhận, thì khi ấy các vai trò và bổn phận được xác định rõ hơn nhưng tinh thần truyền thông vẫn được duy trì như là cơ bản đối với cộng đoàn Hội Thánh. Thánh Augustinô trong quyển De doctrina Christiana đã ứng dụng khoa tu từ ngoại giáo cho việc giảng dạy của Hội Thánh, và năm 591 trong tác phẩm nổi tiếng Regula Pastoralis của ngài, Đức Giáo hoàng Grêgoriô Cả đã viết rất dài về nhu cầu thích nghi việc truyền thông trong hoạt động rao giảng và chăm sóc mục vụ đối với các thành phần thính giả khác nhau. Mỗi lần, thông điệp phải được điều chỉnh một cách mới mẻ cho phù hợp với các nhu cầu và mong đợi của thính giả, và ngài liệt kê hơn 40 loại thính giả khác nhau tuỳ theo các hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau, bên trong cũng như bên ngoài. Cuốn ‘cẩm nang truyền thông mục vụ’ này đã trở nên quan trọng đến nỗi trong suốt thời Trung Cổ, nó được đặt cùng với sách Kinh Thánh trên đầu của mỗi tân giám mục trong nghi lễ tấn phong.

Đặc biệt từ sau cuộc cải cách (Tin Lành) năm 1517 và việc Luther sử dụng rộng rãi phương pháp máy in mới của Johannes Gutenberg với kỹ thuật xếp chữ, Hội Thánh càng ngày càng mất đi ý thức về việc ‘truyền thông toàn diện’. Dần dần, các thế lực khác bắt đầu tấn công và thách thức Hội Thánh khiến cho cuối cùng Hội Thánh rơi vào một thái độ tự vệ kéo dài khá lâu. Từ sau cuộc cải cách và đặc biệt cũng từ sau cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, Hội Thánh ngày càng giữ thái độ tự vệ hơn đối với các thế lực này, tìm cách đối phó bằng sự đàn áp thay vì có một đường lối truyền thông tích cực và sáng tạo. Chính từ thời kỳ này và do thiếu thái độ cởi mở đối với các phát minh kỹ thuật mới, nhiều vị hữu trách trong Hội Thánh ngày càng chuyển sang thái độ nghi kỵ và bài bác lãnh vực này, như được chứng tỏ qua việc gia tăng công tác kiểm duyệt và kiểm soát. Bây giờ có vẻ như không còn là Chúa Thánh Thần của thời kỳ khởi nguồn Kitô giáo, mà là cuộc đấu tranh giành quyền lực và một ý thức trách nhiệm hẹp hòi đã thắng thế. Thỉnh thoảng, đặc biệt vào các thời đại sau, khuynh hướng này cũng đổi sang khuynh hướng ngược hẳn lại, là bắt chước và sử dụng các phương tiện truyền thông bằng mọi giá mà không nhận ra rằng cũng cần phải có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để biết phân định.

Thái độ

Hành động

Vị trí

 

Khuynh hướng I. Nghi kỵ và bài bác

Khuynh hướng II. Bắt chước & tham vọng

Khuynh hướng III. Hiểu có phê phán

 

Kiểm duyệt và kiểm soát

Sử dụng bằng mọi giá

Sử dụng có phân biệt/

Phục vụ với sự cảm thông

 

Bên ngoài

Bên lề

 

Bên trong

 

Thái độ của Hội Thánh đối với Truyền thông/Phương tiện Đại chúng

(Xem Roberge 1983; Eilers 2002, 222)

Chỉ khi có một sự hiểu biết phê phán nhưng chuyên môn về vai trò và tiềm năng của các phương tiện truyền thông tiên tiến, Hội Thánh mới lại có thể truyền thông trong thế giới chúng ta hôm nay giống như trong thời kỳ đầu của Kitô giáo. Có nghĩa là sẽ lại thể hiện được những tiềm năng của các phương pháp khác nhau, thích nghi và kết hợp chúng sao cho chúng tác động đến dân chúng. Truyền thông mục vụ và truyền giáo phải quan tâm tới điều này một cách đặc biệt. Chứng tá cá nhân và chứng tá đời sống ngày nay vẫn còn là một phương tiện và cách thức thiết yếu để đến với dân chúng và phục vụ họ.

4.1. Các đường lối tích cực ngày nay

Sau khi đã có một ít phát triển rất tích cực ngay từ thời Đức Piô XI và Đức Piô XII trong đường lối của các ngài đối với Truyền thông Xã hội, Công đồng Vatican II đã phát triển một thái độ khá cởi mở. Vatican II không chỉ là Công đồng Chung lần đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh đưa ra một văn kiện đặc biệt là Sắc lệnh Inter Mirifica (1963), nhưng các văn kiện khác của Công Đồng cũng xác nhận khuynh hướng tích cực này.

Đường lối của Hội Thánh đối với truyền thông từ thời Đức Piô XI cho tới sau Vatican II cơ bản gồm hai khía cạnh: (1) sử dụng các phương tiện truyền thông vì mục đích riêng của Hội Thánh và (2) bổn phận có phán đoán đạo đức đối với việc sử dụng chúng.

1.  Hội Thánh có quyền và bổn phận sử dụng các phương tiện truyền thông vì mục đích và sứ mạng của mình. Đây là hoạt động truyền thông trong Hội Thánh cũng như đối với bên ngoài. Công đồng Vatican II quả quyết trong Sắc lệnh Inter Mirifica (1963): “Hội Thánh có quyền sử dụng và sở hữu mọi phương tiện truyền thông cần thiết hay có ích cho việc đào luyện các Kitô hữu và cho hoạt động mục vụ của mình” (số 3). Sau đó, Đức Phaolô VI khẳng định trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975): “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người đang làm cho ngày càng hoàn hảo hơn. Nhờ các phương tiện này, Hội Thánh rao giảng ‘trên các mái nhà’ thông điệp mà mình nắm giữ. Hội Thánh coi chúng là một phương thức hiện đại và hiệu quả của việc rao giảng. Nhờ chúng, Hội Thánh thành công trong việc nói chuyện với quần chúng” (số 45).

2.  Hơn nữa, Hội Thánh hầu như luôn luôn quan tâm “đào tạo một lương tâm đúng đắn trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông” (IM, số 5). Điều này đã được chứng tỏ trong văn kiện đầu tiên của Hội Thánh vào thế kỷ 20 với chuyên đề Phim Ảnh, đó là Thông điệp Vigilanti Cura của Đức Piô XI năm 1936. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha cổ võ các nguyên tắc và tư cách thành viên của ‘Đạo quân Đức Hạnh’ (Legion of Decency) và ngài quan tâm tới các giá trị đạo đức của phim ảnh. Trong các văn kiện khác, đạo đức của các phương tiện truyền thông không ngừng được nói đến và cũng rất thường xuyên được liên kết với việc giáo dục truyền thông.

3.  Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng đưa ra thêm một đường lối mới về lĩnh vực truyền thông hiện đại trong Thông điệp Redemptoris Missio về Truyền giáo, trong đó đặc biệt vai trò của truyền thông và văn hoá trong tương quan với tôn giáo được ngài nhìn dưới các khía cạnh sau:

a.  Con người thời nay, cá nhân cũng như tập thể, được ‘đào tạo’ bởi các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông sáng tạo một văn hoá mới. Văn hoá ở đây chỉ về các lối suy nghĩ, hành động và các mối quan hệ với người khác và “đặc biệt, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị chi phối bởi các phương tiện đại chúng” (số 37c).

b.  Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một văn hoá con người làm nền tảng cho xã hội. Theo quan điểm của Đức Giáo Hoàng, Hội Thánh có vai trò và trách nhiệm bảo vệ ‘văn hoá đích thực’ này của con người. Nhưng nền văn hoá này phải được quyết định và xác định như thế nào? Có thể chắc là nó dẫn tới việc bảo vệ các quyền con người và sự vẹn toàn đạo đức của cá nhân cũng như xã hội, như đã được diễn tả trong quá khứ trên quan điểm đạo đức.

c.  Hơn nữa, cũng có chiều kích khác của một thực tại sâu hơn không được quyết định bởi nội dung của riêng truyền thông mà thôi, mà còn bởi “các cách truyền thông mới, với các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và một tâm lý mới.” Theo quan điểm này, Hội Thánh thấy mình đứng trước một ‘cử toạ’ được quyết định bởi các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại nhiều hơn là bởi các truyền thống.

4.2. Các mẫu của một Hội Thánh Truyền thông

Avery Dulles (1988), người từng nghiên cứu và phân tích các văn kiện của Công đồng Vatican II trong lĩnh vực Truyền thông Xã hội, đã đi đến 5 mẫu và phương thức khác nhau, không loại trừ nhau nhưng phải được coi là bổ sung cho nhau. Đó là cùng một việc Truyền thông Xã hội của Hội Thánh và cho Hội Thánh, được nhìn dưới các góc cạnh khác nhau và các hướng khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Vì vậy ta không nên quên rằng chính Công Đồng này cũng đã sử dụng thành ngữ “Truyền thông Xã hội”.

Uỷ Ban chuẩn bị Văn kiện Inter Mirifica đã nói trong một mục cước chú ở đầu văn kiện dự thảo rằng các thành ngữ như ‘Phương tiện Đại chúng, Phương tiện Nghe-Nhìn, Phương tiện Truyền bá’ đều không diễn tả đầy đủ mối quan tâm thực sự của Hội Thánh, vì vậy Uỷ Ban đã đề nghị dùng một tên gọi mới đã được chấp nhận nhưng không bao giờ được cắt nghĩa thêm. ‘Truyền thông Xã hội’ có nghĩa đầy đủ hơn các phương tiện đại chúng và bất kỳ phương tiện hiện đại nào khác. Nó bao gồm tất cả các thứ này nhưng một cách đặc biệt nó cũng bao gồm mọi cách thức và phương tiện khác trong và của xã hội loài người. Một điều tối quan trọng là phải luôn lưu tâm tới định nghĩa này, đặc biệt đối với việc Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo.

Điều này cũng liên hệ tới các mẫu của Avery Dulles, bao gồm mọi cách thức truyền thông của Hội Thánh. Ngài đã triển khai các mẫu và phương thức sau đây:

1.  Mẫu cơ chế hay phẩm trật “quan tâm một cách hạn hẹp tới quyền bính của chức vụ và tính chất bó buộc của học thuyết chính thức. Mẫu này muốn nhìn truyền thông theo nghĩa thần học như là một quy trình đi xuống, bắt đầu từ Thiên Chúa xuống qua Đức Giáo Hoàng và hàng giám mục rồi tới các thành viên khác của Hội Thánh...” (112). Mẫu này quan tâm tới các mối quan hệ bên trong Hội Thánh giữa những người phục vụ Lời Chúa và những người được phụ vụ...”. Nó “phân biệt rõ nét giữa hàng giáo phẩm như là bậc giảng dạy có thẩm quyền (ecclesia docens) và phần còn lại là các tín hữu như là thành phần học tập (ecclesia discens). Nó có “nội dung là lời giảng dạy có thẩm quyền của Hội Thánh” (114t.). Mẫu này được diễn tả bằng các văn kiện chính thức, các thư và thông báo mục vụ, và các tài liệu khác nữa. Chủ yếu là các trình bày bằng văn bản.

2.  Mẫu loan báo hay rao giảng được Dulles gán cho nền thần học Kinh Thánh Tin Lành và thần học của Karl Barth về Lời, nhưng đặc biệt được diễn tả torng văn kiện của Vatican II về Mặc khải (Hiến chế Dei Verbum, DV) và nhiều phần của sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh (Ad Gentes, AD): Được Đức Kitô uỷ thác, Hội Thánh “không ngừng tiếp tục gửi các sứ giả đi loan báo Tin Mừng...” (114). Ở đây sứ vụ truyền thông của Hội Thánh được nhìn trong tương quan với những người ngoài trong khi mẫu thứ nhất liên quan nhiều hơn tới việc truyền thông trong nội bộ Hội Thánh. Vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo (AG 2), “mọi tín hữu đã được rửa tội đều là những người mang thông điệp.” Mẫu này dựa nhiều hơn trên các chiều kích của văn hoá miệng và điều nó mong ước là sự đáp ứng của người nghe qua việc hoán cải. Trong mẫu phẩm trật, sự đáp ứng là “một sự suy phục của trí tuệ đối với quyền bính đòi hỏi sự tôn trọng; sự đáp ứng việc rao giảng là một sự gắn bó hiện sinh của con người toàn diện với các tin vui cứu độ” (116).

3.  Mẫu bí tích cho thấy rằng “truyền thông tôn giáo không chỉ xảy ra qua những lời nói mà còn qua những con người và biến cố (DV 2). Chính Đức Kitô được coi là biểu tượng mặc khải tối thượng, là hình ảnh sống làm cho Thiên Chúa một cách nào đó trở nên hữu hình. Đức Kitô không chỉ truyền thông bằng những lời Người nói, nhưng hơn thế nữa, bằng chính con người và hành động của Người...” Ở đây, Hội Thánh cũng được nhìn như là một dấu chỉ hiệu quả hay một bí tích trong đó Đức Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động. Ở đây chiều kích truyền thông của phụng vụ được coi là “hình thức bí tích của truyền thông,” trong đó “các dấu hiệu thánh tạo ra hiệu quả cứu độ nhờ quyền năng của Đức Kitô” (117).

4.  Mẫu hiệp thông hay cộng đoàn củ Hội Thánh truyền thông là ‘koinonia,” “sự hiệp thông đời sống, đức ái và sự thật (LG 9), được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động.” Đường lối này được diễn tả trong chương 2 của Hiến Chế Lumen Gentium của Vatican II về Hội Thánh (LG 9-17) dưới tiêu đề “Dân Thiên Chúa”. Mẫu hiệp thông này “cổ võ việc chứng tá và đối thoại chung” cả với các Kitô hữu khác. Có lẽ nó phải được mở rộng cả ra ngoài Kitô giáo (xem LG 16; Nostra Aetate), do đó nó dẫn tới mẫu thứ 5 sau đây.

5.  Mẫu thế tục-đối thoại chủ yếu dựa trên giáo huấn của Vaticanô II trong Hiến chế Gaudium et Spes (GS) về Hội Thánh trong thế giới hôm nay. Ở đây thế giới không-Kitô giáo không được coi một cách đơn giản như là “nguyên liệu thô để Hội Thánh cải hoá nó theo mục đích của mình, cũng không phải như là một đối tượng đơn thuần của nhiệt tình truyền giáo, nhưng như là một lãnh vực mà ý định sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa đang hoạt động một cách mầu nhiệm” (118). Ở đây, việc đối thoại của Hội Thánh với các nền văn hoá và các tôn giáo tìm được địa điểm và cuộc đối thoại với thế giới truyền thông đang phát triển mà Đức Gioan Phaolô II đã liệt kê trong Thông điệp về Truyền giáo Redemptoris Missio (1990) như là areopagus, nghị trường hàng đầu của thời hiện đại” (37c). Theo mẫu này, Hội Thánh cũng phải giải thích các dấu chỉ thời đại (x. GS 11,14) và đây được coi như là một thách thức đặc biệt đối với giáo dân (x. GS 43,62), sau đó ý tưởng này cũng đã được xác nhận bởi Tông huấn Christifideles Laici (1962). Theo Dulles, “kiểu thần học thế tục-đối thoại này... có tác động mạnh trên loại đối thoại đang diễn ra trong Hội Thánh” (120). Nhưng ở đây, mẫu này cũng thấy rằng mặc khải “không bắt đầu với Kinh Thánh và truyền thống, thậm chí cũng không bắt đầu với Đức Giêsu Kitô, nhưng với Ngôi Lời, nơi Người mọi sự đã được tạo thành. Ân sủng được giả thiết là luôn hoạt động trong toàn thể lịch sử nhân loại. Tuy được đặc ân hiểu biết về việc Thiên Chúa tự mặc khải một cách tối thượng nơi Người Con nhập thể của Người, Hội Thánh có thể không ngừng đào sâu sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa qua đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác và qua việc giải thích các dấu chỉ thời đại” (121). Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio làm sáng tỏ các hệ quả của mẫu này khi nhìn thế giới hiện đại như là một “chiếc bàn tròn lớn” trên đó “một cộng đồng toàn cầu đang được hình thành thông qua một sự trao đổi thông tin và hợp tác” (1973, 97.98).

Giữa tất cả các mẫu này, mẫu cộng đoàn và mẫu bí tích có một tác động đặc biệt đối với việc Truyền thông Mục vụ, trong khi các mẫu rao giảng và thế tục-đối thoại sẽ đặc biệt thích hợp cho hoạt động Truyền thông Truyền giáo.

4.3. Các cách thức diễn giải của Hội Thánh

Việc giải thích của bất cứ loại truyền thông nào của Hội Thánh đều phải lưu ý rằng, theo quan điểm của Giám mục Teodoro Bacani, có ít là 4 “cách thức diễn giải của Hội Thánh” cho việc truyền thông mục vụ. Mọi sự giải thích một thông điệp trong đời sống hằng ngày đều được quyết định bởi các từ được dùng, cách chúng được nói ra và các “hoàn cảnh khơi dậy các từ và xảy ra xung quanh” chúng. Điều này cũng đúng cho mọi loại truyền thông của Hội Thánh: đâu là các ý hướng của giám mục, linh mục hay người giáo dân đang truyền thông? Bacani thấy có 4 mẫu sau:

1.  Mẫu diễn giải ngôn sứ có lẽ là thông dụng nhất: “Khi chúng ta đọc các ngôn sứ trong Kinh Thánh, chúng ta thấy họ nói một cách có uy quyền và quả quyết như thế nào. Họ không lý luận về các lập trường họ có. Họ khẳng định lập trường của họ và khẳng định một cách chắc chắn như là lời của Chúa trong một tình huống nhất định...”. Mẫu này phần nào tương ứng với ‘mẫu phẩm trật/cơ chế’ của Dulles về Hội Thánh truyền thông: Các sự kiện và mặc khải của Thiên Chúa được khẳng định với uy quyền...

2.  Mẫu diễn giải thần học: “Thần học cũng quan tâm tới hành động, nhưng quan tâm chính của nó là các nguyên tắc điều khiển hành động. Một nhà thần học xứng với danh nghĩa của mình sẽ tìm cách cắt nghĩa tại sao một đường lối hành động là hợp lý, thậm chí bắt buộc tuyệt đối, theo tiêu chuẩn của đức tin và lý trí. Họ sẽ lý luận để đi tới các kết luận. và nhà thần học sẽ cẩn thận đưa ra các sự phân biệt...

3.  Mẫu diễn giải ngoại giao: “Ngoại giao là một nghệ thuật cũng được thực hành bởi nhiều nhân vật trong Hội Thánh, trong đó một số, như các Khâm sứ Toà Thánh, phải thực hành nghệ thuật này một cách chuyên nghiệp. Ngoại giao tìm cách phát huy các mối quan hệ tốt hơn giữa các dân tộc và các tổ chức. Vì vậy các nhà ngoại giao cẩn thận trong cách họ sử dụng các từ để truyền đi các thông điệp. Họ không chỉ quan tâm nói sự thật, mà cũng che giấu sự thật một cách khéo léo, hay nói sự thật nhưng không làm mất lòng người ta...”.

4.  Mẫu diễn giải mục vụ “tìm cách kết hợp bao có thể cả ba mẫu trên. Người mục tử tốt phải nói sự thật cho dân của mình bởi vì sự thật mang lại sự sống và giải phóng. Họ phải nói với dân chúng sự thật cả khi sự thật ấy làm người ta khó chịu. Họ phải nói với dân những điều dân cần nghe chứ không phải những điều dân thích nghe. Nhưng đồng thời người mục tử không được nói sự thật giống như một người ném đá vào thính giả. Ngược lại họ phải trình bày sự thật như là bánh mang lại sự sống cho dân. Thế nên họ cũng phải nói với tài ngoại giao. Và họ phải xét đến những hoàn cảnh đặc thù của người nghe, nên thường họ cũng thực hiện các sự phân biệt giống như một nhà thần học”.

Nguyên thuỷ các mẫu này được xuất bản như một bài xã luận trên một nhật báo với mục đích giúp thính giả/độc giả biết cách đánh giá và giải thích các phát biểu của Hội Thánh được công bố trên các phương tiện truyền thông. Nhưng chúng cũng có thể giúp người truyền thông mục vụ trở nên ý thức về cách thức hoạt động của mình: Tôi muốn truyền thông điều gì? Thế nào? Cho ai? Trên thực tế, mẫu mục vụ của Bacani còn có thể được chia nhỏ thành một sự truyền thông cho các thính giả trong hay ngoài Hội Thánh. Chẳng hạn, truyền thông cho các thính giả ngoài Hội Thánh hay ở một nước mà phần đa dân số không phải là Kitô hữu thì phải khác và vì vậy cần có một sự nhậy cảm đặc biệt.

Các phát triển xa hơn

Các phát triển sau Vatican II, đặc biệt sự sát nhập các Phương tiện Truyền thông [Đại chúng] (Mass Media) vào với Công nghệ Thông tin [Information Technology (IT)] để trở thành ‘Infomedia’ hay Đa phương tiện đã mang tới những thách thức và khả năng mới, chúng cũng ảnh hưởng đến Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo. Chẳng hạn, để biết những gì đến được với khán thính giả ngày nay, nếu chỉ biết các chương trình TV chính mà người ta xem thì không đủ. Còn phải biết rằng có hàng trăm chương trình TV có trên Truyền Hình Cáp và hàng triệu websites trên Internet đang cung cấp các chương trình và thông tin vượt xa tất cả những gì là ‘bình thường’ khoảng 10 hay 15 năm trước.

Đặc biệt giới trẻ ngày nay đang lớn lên và rất thường xuyên bị hút chặt vào Internet. Vì vậy việc đào luyện giới trẻ ngày nay không còn chỉ được quyết định bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng ngày càng được quyết định nhiều hơn bởi các Đa phương tiện. Tại các nước đang phát triển, giới trẻ cũng đang ngày càng rời xa các giá trị truyền thống để đi vào những chọn lựa với tất cả các hậu quả truyền thông và đào tạo của chúng. Ai là người giúp đỡ giới trẻ trong các chọn lựa của họ? Các Giám mục Truyền thông Châu Á trong Hội nghị Thường niên (FABC-OSC Bishops’ Meet, 1999) tại Bangkok đã nói:

“Trong quá khứ, giới trẻ lớn lên trong các xã hội dựa trên những truyền thống văn hoá, đạo đức và thiêng liêng vững chắc. Bây giờ, các truyền thống này rất thường xuyên bị thay thế bằng các chọn lựa khác có sẵn cho các cá nhân và cộng đồng. (x. Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 7, 39).”

Nhận định này đã đưa các giám mục tới sự nhận thức về các thách thức truyền thông sau đây:

“1. Truyền thông Kitô giáo phải cho thấy giá trị của các truyền thống nhưng đồng thời cũng phải giúp phân định các phát triển mới.

2. Đặc biệt giới trẻ cần sự hướng dẫn trong một xã hội đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Các người truyền thông Kitô giáo phải là người bạn đồng hành và người hướng dẫn của giới trẻ, chứ không chỉ chú tâm vào những lợi ích vật chất hay tài chính từ các hoạt động của mình.

3. Trong tình hình truyền thông ngày nay, khi ai ai cũng có thể có được tin tức chỉ trong nháy mắt, các nhà báo và các lãnh đạo của Hội Thánh không còn chỉ là những ‘gác cửa’ để quyết định điều gì đến được với khán thính giả. Họ phải là những ‘người hướng dẫn’ trong khu rừng của các chọn lựa, nhờ sự soi sáng của các nguyên tắc và nhãn quan của đức tin Kitô giáo”.

Đức Gioan Phaolô II trước đó cũng đã viết về tình hình này trong Thông điệp Redemptoris Missio (1990, 37c):

“Vì chính việc rao giảng Tin Mừng cho văn hoá ngày nay tuỳ thuộc một phần rất lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên nếu chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông mà thôi để loan truyền thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chân chính của Hội Thánh thì không đủ. Cũng cần phải tích hợp thông điệp ấy vào nền văn hoá mới được tạo ra bởi ngành truyền thông hiện đại. Đây là một vấn đề phức tạp, bởi vì nền văn hoá mới phát sinh không chỉ từ những nội dung được diễn tả ra, mà còn từ chính sự kiện là có những cách thức truyền thông mới, với các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và một khoa  tâm lý mới. Đức Phaolô VI đã nói rằng “sự phân cách giữa Tin Mừng và văn hoá chắc chắn là thảm kịch của thời đại chúng ta’ (Evangelii Nuntiandi, 1975, 20), và lĩnh vực truyền thông hoàn toàn xác minh nhận định này”.

Trong Hội Thánh hôm nay, có các đường lối khác nhau cho việc tích hợp lãnh vực truyền thông xã hội. Tình trạng hội tụ và tích hợp ngày càng gia tăng trong truyền thông có thể được thấy như là đang chuyển từ một phương tiện đại chúng duy nhất sang sự tích hợp đa phương tiện và sau cùng có thể hội tụ vào một thiết bị như các máy vi tính. Cũng vậy, Hội Thánh phải chuyển từ thái độ cô lập sang thái độ tích hợp trong mọi hoạt động của mình. Đây không chỉ là vấn đề cơ cấu mà là một sự chuyển đổi não trạng và phương pháp: từ hoạt động cá thể sang niềm xác tín rằng mọi hoạt động của Hội Thánh đều mang một chiều kích truyền thông thách thức mọi người chứ không riêng gì các chuyên gia. Tổng Tu nghị 1995 của Dòng Tên đã diễn tả khá hay điều này trong văn kiện Truyền Thông: Một Văn Hoá Mới, trong đó có nói như sau:

“Truyền thông trong xã hội thường vẫn được nhìn như một khu vực của hoạt động tông đồ, một môi trường cho một số chuyên gia thường cảm thấy bị cô lập hay ở bên lề tập thể tông đồ. Xã hội cần phải nhìn nhận rằng truyền thông không phải là một lãnh vực chỉ dành riêng cho một số chuyên gia Dòng Tên, mà là một chiều kích tông đồ chính cho mọi hoạt động tông đồ của chúng ta. Đương nhiên không phải mọi hội viên Dòng Tên đều phải dấn mình vào lãnh vực truyền thông. Tuy nhiên, mọi hội viên Dòng Tên nếu muốn hoạt động hiệu quả đều phải hiểu biết và thành thạo các ngôn ngữ, các biểu tượng, các ưu điểm và nhược điểm của văn hoá truyền thông. Đây là cách để tạo sự chuyển đổi, để nhận ra rằng môi trường truyền thông mới này là một môi trường giúp chúng ta đến được với đông đảo dân chúng và làm giàu cho họ, một môi trường để nuôi dưỡng văn hoá, tri thức và tình liên đới.

Công cuộc canh tân được đề nghị sẽ cho phép các hội viên Dòng Tên chia sẻ tốt hơn đức tin mà họ được kêu gọi để phục vụ. Đôi khi điều này bao gồm việc rao giảng trực tiếp Tin Mừng và các giá trị Tin Mừng cho các nhóm đông đảo qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hay cho các nhóm nhỏ hơn qua các phương tiện truyền thông tập thể. Khi khác, có thể dùng một phương pháp gián tiếp hơn để giúp các cá nhân ý thức về một sự trình bày thông điệp Kitô giáo một cách cá nhân hơn. Trong mọi trường hợp, điều này đòi chúng ta sử dụng thứ ngôn ngữ mà cả các chuyên gia truyền thông lẫn quần chúng của ngôi làng toàn cầu đều có thể hiểu được. Chính Đức Giêsu đã truyền thông sứ điệp của Cha qua các dụ ngôn, phép la và các hành vi thương xót, Người phải là mẫu mực cho chúng ta”.

Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo không chỉ dựa trên một phương tiện hay một chiến lược, nhưng dựa trên sự tích hợp giữa các nhiệm vụ khác nhau và giữa những người tin rằng Hội Thánh và mọi thành viên Hội Thánh tự cơ bản đều là truyền thông. Đức Kitô đã sinh ra và nhập thể trong những hoàn cảnh cụ thể và bởi những con người cụ thể.

Còn tiếp 

Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

"Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (2)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   21 tin bài trong VĂN KIỆN » Truyền Thông
  Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58 | Vatican News
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 của ĐTC Bênêđictô XVI | Nguyễn Minh Triệu, SJ, chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần đầu tiên của ĐGH Phaolô VI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 của ĐGH Bênêđictô XVI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (10) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (9) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (8) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (7) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (6) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (5) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (4) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (3) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (1) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Giới thiệu sách "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" của Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Đạo đức trong Internet
  Đạo đức trong quảng cáo
  Đạo đức trong truyền thông
  Giáo Hội và Internet
  Huấn thị Mục vụ Thời đại mới (Aetatis Novae) về việc truyền thông xã hội
  Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@