Nếu bạn muốn có bạn, hãy trở nên một người bạn trước.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15377
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TỪ VỰNG CÔNG GIÁO
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 14/04/2015 - 14:45:33)
A  A  A
Mục tử

Khi giảng về Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, tôi có hỏi giáo dân, “tử” là gì. Nhiều người không biết trả lời, có người nói: “tử” là chết! Cũng có người nói “tử” là con. Thuật từ này tưởng đơn giản, nhưng thật ra không đơn giản chút nào. Trong Thánh Kinh, mục tử được dùng để dịch chữ pastor của tiếng Latinh, mà bản tiếng Anh là shepherd, có khi cũng dùng chữ pastor. Vậy, thử tìm hiểu mấy chữ này có nghĩa gì.

1. Nghĩa của từ shepherd và pastor

Bản Thánh Kinh La ngữ Phổ thông dịch từ roʿeh trong Cựu Ước tiếng Hipri và poimēn trong Tân Ước tiếng Hy Lạp là pastor (do động từ pascere: chăn dắt).

Cựu Ước, bản Hipri, dùng từ roʿeh 173 lần để nói về việc chăn nuôi chiên, như trong sach Sáng Thế (x. St 29,7) hay việc dưỡng nuôi thiêng liêng, chăm sóc đời sống tâm linh con người, như trong sách Giêrêmia (x. Gr 3,15).

Tân Ước, bản Hy Lạp, hai từ poimēn: mục tử (vd: Ga 10, 2.12.16; 1Pr 2, 25) hay người chăn chiên (vd: Mt 26,31; Mc 14,27; Lc 2,8.15.18.22) và động từ poimaino: chăn dắt, chăn chiên (Mt 2, 6; Lc 17, 7; Ga 21,16) được sử dụng 29 lần, hầu hết để chỉ Chúa Giêsu. Chẳng hạn, trong Ga 10,11 Chúa Giêsu tự nhận mình là Mục tử nhân lành. Ngài cũng được gọi là Vị Mục tử cao cả (Dt 13,20), Vị Mục tử tối cao (1 Pr 5,4). Trong trình thuật giáng sinh, từ poimēn chỉ các mục đồng tức các người chăn chiên, theo nghĩa đen (Lc 2, 8.15.18.20).

Bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ sử dụng từ “mục tử” (69 lần) và “kẻ / người chăn chiên” (13 lần).

1.1. Shepherd (dt.) [Có từ năm 1790, nghĩa ẩn dụ có từ năm 1820, tiếng Anh cổ là sceaphierde: do từ sceap (= sheep: chiên, cừu) + hierde (=herder, từ heord = a herd: người chăn đàn gia súc)[1]]. Shepherd có nghĩa là: (1) Người chăn chiên cừu: Mục tử. (2) Nghĩa ẩn dụ: Người hướng dẫn tinh thần hay chăm sóc các linh hồn: Linh hướng. (3) Viết hoa là chỉ Chúa Giêsu (4) Giáo sĩ: Giám mục. (5) Chó chăn cừu. (đt.) (6) Chăn giữ chiên (to herd sheep). (7) Nghĩa ẩn dụ: Chăm sóc, hướng dẫn (watch over or guide): Chăn dắt.

Theo nghĩa ẩn dụ, hạn từ Shepherd dùng để chỉ Thiên Chúa, đặc biệt truyền thống Do Thái (Tv 23, 1-4), và trong Kitô Giáo đặc biệt chỉ Chúa Giêsu, Đấng tự xưng là ‘Good Shepherd’. Tổ tiên dân Do Thái là những người sống nghề chăn nuôi và trong đó có rất nhiều người chăn chiên. Cũng cần lưu ý rằng nhiều vị anh hùng trong Thánh Kinh xuất thân là những người chăn chiên, trong đó có các tổ phụ Abraham và Giacob, mười hai tổ phụ của 12 chi tộc, Môisen, vua Đavít và tiên tri Amos... Trong Tân Ước, các thiên thần đã báo tin Chúa giáng sinh cho những người chăn chiên. Đức Kitô được gởi đến như mục tử đến với các chiên lạc nhà Israel (Mt 10,6; 15,24; Lc 15,3-7). Người là mục tử tốt lành, dám thí mạng vì đoàn chiên (Ga 10,11-16; Dt 13,20; 1Pr 13,25). Người mời gọi những người khác trở nên mục tử trong Giáo Hội, nhưng đoàn chiên vẫn là của Người (Ga 21,15-17; 1Pr 5,1-4).

Nghĩa ẩn dụ cũng được áp dụng cho các linh mục. Trong số các huy hiệu của các giám mục Công giáo và Anh giáo có sử dụng gậy chăn chiên, nói lên trách nhiệm chăm sóc các tín hữu là đoàn chiên.

1.2. Pastor: Có từ trước thế kỷ 14 (dt.) (1) Chữ cổ xưa của chữ shepherd. (2) Vị chức sắc trong giáo hội; Công giáo dịch là linh mục chính xứ, cha sở; Tin Lành dịch là mục sư. (3) Vị linh hướng. (4) Một loài chim. (đt.) (5) Chăn dắt.

Trong một số bản dịch Thánh Kinh tiếng Anh[2], hai chữ này dùng xen kẽ nhau, có khi dùng pastor (Gr. 2,8; 3,15; 10,21; 12,10; 17,16) có khi dùng shepherd (Ga 10,11). The New American Bible 2002 (NAB), bản dịch chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, chỉ dùng chữ shepherd mà thôi.

Theo nghĩa ẩn dụ, shepherd và pastor đều diễn tả quan hệ mật thiết giữa người cai trị và người dân, hay giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Ngày nay, trên thực tế, các linh mục chính xứ (cha sở) ở Đức và Hoa Kỳ cũng được gọi là pastor, trong khi những nơi khác thì gọi là parish priest.

Hầu hết anh em Tin Lành, từ thời John Calvin và Huldrich Zwingli, đã sử dụng từ pastor (mục sư) chỉ những người nhận chức phụ trách cộng đoàn, thay cho từ priest (linh mục). Tuy nhiên các giáo sĩ được tấn phong trong vài giáo hội Lutheran, trong giáo hội Episcopal và cũng như trong tất cả các chi nhánh của Anh giáo vẫn được gọi là priest (linh mục).

2. Nghĩa của mục, tử

2.1. Mục:
Có 8 chữ: 鉬 (钼), 苜, 艒, 穆, 睦, 目, 牧 (tiếng Việt cũng đọc là tý), 缪 (cũng đọc là cù, mâu hoặc mậu). Trong hạn từ mục tử là chữ牧, thuộc loại chữ hội ý, diễn tiến như sau:

 
Hình này cho thấy một cánh tay cầm roi (chỉ việc chăn giữ) đang lùa một con bò (chỉ súc vật). Nghĩa gốc là chăn nuôi gia súc, cũng chỉ người chăn giữ súc vật, như mục nhân, mục đồng... Thời cổ còn có nghĩa mở rộng là thống trị, như mục vạn dân (chăn dắt muôn dân). Chữ mục牧có những nghĩa sau: (dt.) (1) Người làm nghề chăn nuôi gia súc: Mục đồng (đứa trẻ chăn giữ súc vật), mục nhân, mục dân hay mục phu. (2) Chỗ chăn nuôi: Mục trường. (3) Nghề chăn nuôi: Du mục, mục nghiệp. (4) Quan coi một châu: Châu mục. (5) (Họ) Mục: Mục Niệm Từ (!) (đt.) (6) Tu luyện: Ti dĩ tự mục dã (卑以自牧也: Tự nhún mình tôn người để nuôi đức mình. Dịch Kinh). (7) Chăn nuôi: Mục dưỡng. (8) Cai trị: Mục dân. Cụ Đào Duy Anh giải thích: Ngày xưa các quan cai trị nhân dân gọi là mục dân, ví dân cũng như súc vật, mà quan như người chăn.

2.2. Tử: Cũng có bảy chữ: 子, 死, 紫, 仔, 籽, 梓, 啙. Tử trong từ mục tử là chữ子, thuộc loại chữ tượng hình, diễn tiến như sau:

 
Chữ giáp cốt và kim văn của chữ này đều có hai cách viết khác nhau: Một là có một cái đầu và tóc, hai chân giơ lên, một kiểu nữa có đầu, có hai tay, hai chân quấn kín trong tả lót. Chữ trước hơi rườm rà chữ sau đơn giản hơn.

 
Diễn tiến của chữ tử: (1) Nghĩa gốc: (dt.) Em bé vẫy hai tay, không thể tự lập: Tử đệ, hài tử. Cho ra nghĩa (2), (6), (9): (2) (dt.) Em trai: tử nữ (con trai con gái), trưởng tử (con cả). (6) (dt.) Hạt giống nhỏ: Tử phòng (phòng nhỏ), ngư tử (cá nhỏ). (9) Thứ tự, thứ nhất của địa chỉ: Tử ngọ (giữa trưa), tử dạ (giữa đêm). Từ số (2) cho ra nghĩa (4), (5) Rộng hơn: (4) (dt.) Tôn xưng người nam: Phu tử (ông thầy). (5) (dt.) Tước vị: Tử bộ, tử tước. Từ số (6) cho ra (7) nghĩa rộng hơn: (tt.) Hình thể nhỏ: Tử đạn, tử thành (thành nhỏ). Từ số (7) lại cho ra (8) nghĩa rộng hơn: (trợ từ) Để sau danh từ, là hình thể nhỏ: Tỵ tử (mũi), chủng tử (hạt giống).

Hiện nay nghĩa là (dt.) (1) (Đọc là Tý) Tý, chi đầu trong mười hai chi: Năm Tý, giờ Tý: từ mười một giờ đêm đến một giờ sáng là giờ Tý. (2) Con, xưa, dù con trai hay con gái đều gọi là tử: nghĩa tử, dưỡng tử, hiếu tử, phụ tử tình thâm (tình cha con sâu đậm). Nay chỉ gọi riêng con trai: Nhất tử nhị nữ (một trai hai gái). (3) Tiếng tôn xưng để tỏ lòng kính trọng người có đức hạnh và học vấn cao: Khổng tử; Lão tử; Mạnh tử, Trang tử. Ở đây, tử có nghĩa là ông, bác, thầy, tiên sinh hay phu tử (tiên sinh ấy). Khổng, Lão, Mạnh, và Trang là tên họ (family name), còn chữ tử được ghép vào để chỉ bậc thầy, hay người có học như đã nói. Nói khác đi, nếu chúng ta nói “Ông Khổng tử” là đã dùng thừa chữ “Ông” rồi vì chữ “Khổng tử” đã có nghĩa là “ông Khổng”, “thầy Khổng” hay “nhà trí thức họ Khổng”. Có người còn viết Khổng Tử (chữ hoa) vì kính trọng, chớ không vì Tử là tên ông Khổng; Quân tử君子: Tiếng dùng xưng tụng người có tài đức hoặc gọi người học trò chín chắn: “Trước xe quân tử tạm ngồi” (Lục Vân Tiên). (4) Tiếng xưng hô để tỏ lòng kính trọng người thân thuộc, như: Con cháu gọi người trước: tiên tử; chồng gọi vợ: nội tử, vợ gọi chồng: ngoại tử. (5) Chỉ mầm giống của sinh vật hoặc sinh vật còn non, còn nhỏ, gọi là: trứng, hạt, giống: Kê tử (trứng gà hay gà con), ngư tử (trứng cá hay cá con), tàm tử (giống tằm), đào tử (hạt đào), lí tử (hạt mận), thái tử (菜子, hạt cải), khương tử (gừng non). (6) Từ đặt sau một số danh từ để chỉ vật hay người, có nghĩa là: cái, người, chú, gã, kẻ, đám, lũ. Ví dụ: Trác tử (cái bàn), mạo tử (cái nón), kỷ tử (lá cờ), nam tử (người nam), chu tử (chú lái đò), bàn tử (gã mập), hoại phần tử (kẻ gian), nhất loã tử nhân (cả lũ, cả một đám người), tặc tử (thằng giặc)... (7) (Hoá) Phần vật chất rất nhỏ mà khoa học thường dùng như một đơn vị: Nguyên tử, phân tử. (8) Một trong bốn loại sách, theo cách phân loại ngày xưa ở Trung Quốc: Kinh, sử, tử, tập (tức là kinh điển, lịch sử, chư tử và văn tập). (9) Một trong năm (hay sáu) tước, tức là tôn hiệu danh dự, không hàm ý trách nhiệm và quyền hành, do vua ban cho các người trong hoàng tộc hay những người có công với tổ quốc: (Vương), công, hầu, bá, tử, nam. Tử tước dưới bá tước và trên nam tước. Tước tử gồm một mỹ từ và chữ tử. Ví dụ: Kiến Xương tử. (đt.) (10) Một trong 214 bộ thủ của Hán tự, tức bộ tử (子). (11) (Họ) Tử. (12) (Văn) Có nghĩa như chữ từ (慈): từ ái, chiếu cố: Tử thứ dân (chiếu cố người dân thường). (tt.) (13) Thuộc về mục trước: Tử mục (mục con). (14) Số lẻ, đối với số nguyên mà nói: Như phần tử分子so với phần mẫu分母, tử kim (子金phần lãi) so với mẫu tài (母財phần vốn).

3. Nghĩa của thuật từ mục tử

Mục tử là người chăn. Chăn nuôi, chăn giữ hay chăn dắt? - Nuôi, giữ hay dắt chẳng qua chỉ là từ ghép đệm âm, vì thực ra trong từ chăn đã hàm ý nuôi dưỡng, trông nom, gìn giữ, dẫn dắt rồi. Nghĩa ẩn dụ chỉ người hướng dẫn các linh hồn, người coi sóc việc thiêng liêng hay chăm sóc phần hồn, La ngữ gọi là pastor, “The New Testament Greek Lexicon” định nghĩa như sau: (1) Người chăm sóc thú vật, đặc biệt là người chăn chiên; (1a) Nghĩa bóng: Người mà sự chăm sóc và kiểm soát của người ấy khiến cho những người khác đầu phục, và tuân theo các lời giảng dạy. (2) Nghĩa ẩn dụ: (2a) Người chủ tịch, quản lý, giám đốc của bất kỳ một cộng đoàn nào: dùng chỉ Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, (2a1) dùng chỉ những người coi sóc các cộng đoàn Kitô giáo; (2a2) dùng chỉ các vị vua hoặc hoàng tử.

Nhiệm vụ của một người chăn cừu ở Cận Đông là: (1) Canh giữ đàn cừu không để kẻ thù hãm hại; (2) Bảo vệ đàn cừu khỏi những kẻ thù tấn công; (3) Tìm kiếm và giải cứu những cừu lạc mất hay bị nạn; (4) Chữa lành những con cừu bị thương hay bị bệnh; (5) Yêu thương, chia sẻ cuộc sống với đàn cừu và như vậy người ấy được đàn cừu tin tưởng.

4. Vài vấn nạn

1. Có người cho rằng “mục tử” là từ mới xuất hiện chừng 50 năm nay, có lẽ do người Công giáo tạo ra vì các từ điển ngoài Công giáo không thấy có mục từ này?

- Thực ra, một trong bốn nghề lao động phổ biến ngày xưa ở phương đông là: ngư, tiều, canh, mục. Tức là nghề đánh cá, nghề đốn củi, nghề làm ruộng, nghề chăn nuôi. Người làm những nghề này, Trung Quốc lần lượt gọi là: Ngư phu, tiều phu, nông phu và mục phu, còn Việt Nam thì quen gọi là: Ngư phủ, tiều phu, nông phu và mục tử. Mục phu hay mục tử đều chỉ người giữ súc vật. Nhưng thực tế việc chăn dắt gia súc, đặc biệt là trâu bò, thường được giao cho các trẻ nhỏ nên người ta gọi đó là các mục đồng (đồng là trẻ nhỏ). Do đó, trong văn học hạn từ mục tử rất ít khi được sử dụng so với từ mục đồng. Ít, chứ không phải là không có. Ví dụ: Trong bài thơ “Cảnh chiều hôm” của Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848): “Gác mái, ngư ông về viễn phố; Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”, hay “Tiếng mục tử xa đưa nơi quãng vắng” của nhà thơ Phan Văn Dật (1907-1987). Trong truyện ngắn “Das Glasperlenspiel (Ảo hoá)” của Hermann Hesse, bản dịch của Ni sư Trí Hải (1938-2003): Hoàng tử Dasa trốn bà mẹ ghẻ, trở thành một mục tử, chàng chăn bò vùng rừng núi.

Nhiều từ điển Việt Nam (tác giả ngoài Công giáo) không có hạn từ mục tử? - Chúng tôi thấy có trong hai cuốn từ điển của Thanh Nghị (1958)[3] và Nguyễn Lân (2000)[4]. Tuy nhiên cả hai tác giả này đều cho rằng mục tử đồng nghĩa với mục đồng, tức là “kẻ chăn súc vật” hay là “trẻ em chăn gia súc”[5](!).

Trong giới Công giáo, có lẽ Lm. Eugène Gouin[6] (1957) là người đầu tiên đã dùng từ mục tử để dịch từ pasteur trong tiếng Pháp, và sau đó là nhóm phiên dịch các văn kiện Thánh Công đồng Chung Vatican II (1972) và Điển ngữ Thần học Thánh Kinh (1973) của Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X. Các bản Thánh Kinh tiếng Việt thường dịch là: mục đồng, người chăn, kẻ chăn, kẻ chăn chiên, Đấng chăn chiên, Chúa chăn, Chúa chiên... chỉ có bản của Lm. Nguyễn Thế Thuấn (1976) và Nhóm Phiên Dịch CGKPV sử dụng từ mục tử.

2. Có người cho rằng “tử” nguyên nghĩa là con, chỉ những gì nhỏ bé, tầm thường, nên khi kết hợp với chữ nào để thành từ mới, cũng được hiểu là bé nhỏ, tầm thường (xem nghĩa thứ (6) của chữ tử). Nên xem ra sử dụng từ mục tử để chỉ Chúa Giêsu thì không thích hợp lắm?

- Trong Hán văn, có nhiều chữ hàm ý chỉ người, nhưng có chỗ tiểu dị. Như chữ: Giả者: thường đi sau một động từ, chỉ người làm việc gì đó: Đọc giả, khán giả, tác giả. Khách客: người ở ngoài đến tham gia việc gì đó: Hành khách, thực khách, thích khách. Sư 師: người thuộc bậc thầy trong một chuyên môn: Nhạc sư, giáo sư, thiền sư. Phu 夫: người có nghề nhất định, thiên về tay chân: Ngư phu, nông phu, tiều phu. Sĩ 仕: người có nghề nhất định, thiên về trí óc: Nhạc sĩ, viện sĩ, tu sĩ. Dân 民: người cùng một giới: Bần dân, cư dân, nông dân. Hữu友: người cùng chí hướng: Chiến hữu, giáo hữu, Kitô hữu. Viên 員: người trong một tổ chức: Học viên, giáo viên, vận động viên. Trưởng 長: người đứng đầu: Viện trưởng, gia trưởng, lớp trưởng. Phó副: người giúp người trưởng: Viện phó, giám mục phó, lớp phó.

Trường hợp chữ tử 子khá đặc biệt là vừa hàm ý trọng, tức là chỉ người chín chắn thuộc bậc đáng kính: (Bách gia) chư tử, nam tử, quân tử, sĩ tử; lại có trường hợp hàm ý khinh, tức là chỉ kẻ tầm thường thuộc hạng phàm phu: chu tử (chú lái đò), bàn tử (gã mập), hoại phần tử (kẻ gian), tặc tử (thằng giặc)... Tương tự như chữ gia 家 cũng có ý trọng: chỉ người chuyên làm việc gì đó: Nông gia, thương gia, luật gia hoặc bậc học giả, có học thuyết riêng: Bách gia (chư tử), triết gia, thần học gia; nhưng cũng có trường hợp hàm ý khinh: Cánh, bọn, lũ...: cô nương gia (姑娘家: cánh con gái), hài tử gia (孩子家: lũ trẻ)... Vậy không thể nói chữ tử trong mục tử hàm nghĩa trọng. Đây cũng là một trường hợp về sự giới hạn trong ngôn ngữ của con người. Thực ra, hình ảnh con chiên và người chăn chiên trong Thánh Kinh nhằm diễn tả thân phận bé nhỏ và lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa - Đấng uy dũng và giàu lòng thương xót, ngày đêm che chở bảo vệ con người khỏi những tai ương hoạn nạn, tìm kiếm khi lạc đường, cứu chữa khi bệnh tật thương tích và dưỡng nuôi bằng tình yêu khôn tả: “Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái” (2 Sm 12,3).

Con chiên không mang nghĩa xấu: “thuộc hàng súc vật, nô lệ, cuồng tín, mất khả năng suy nghĩ lập luận bình thường mà chỉ ngoan ngoãn quên mình trong vâng phục” và người chăn chiên không phải là “những chủ chăn độc ác, xảo quyệt, huyễn hoặc và khuyến dụ con chiên tin vào những điều không thực” như những người cố tình đả kích Giáo Hội đã vẽ ra. Thử hỏi những lời vu khống ấy thực sự sẽ đem lại lợi ích gì cho con người hôm nay?

5. Kết luận

Mục tử là tiếng đã có sẵn trong đời sống xã hội Việt Nam, được Giáo Hội sử dụng để dịch từ pastor, tức là người chăn giữ gia súc. Nếu chúng ta biết rằng “tử” ở đây không có nghĩa là chết, cũng không có nghĩa là con, mà chỉ là một hợp tố đi sau một danh từ, để chỉ người, thì từ này rất thích hợp và sát nghĩa. Nhưng nếu lưu ý rằng từ pastor của Thánh Kinh cũng hàm ý nghĩa là người chủ chiên (chúa chiên). Vì từ xa xưa chủ chiên thường không trực tiếp chăn đoàn chiên của mình, nhưng giao cho con mình trông coi. Họ ít khi giao cho người làm thuê, vì người làm thuê thì không tậm tâm chăm sóc đoàn chiên, nhưng con cái trong nhà mới có nhiệt tâm chăm lo tốt được. Vì thế, Chúa Giêsu mong muốn những người Ngài tuyển chọn để coi sóc đoàn chiên của Ngài phải là những “chủ chiên”, những mục tử thật (x. Ga 10,11-13). Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

Từ xưa (1916), Cha Cố Chính Linh đã dịch chữ “pastor bonus” trong Ga 10,11-18 là “Chúa Chiên lành”, danh hiệu này vẫn được dùng trong phụng vụ cho đến ngày nay. Và theo chúng tôi, khi nói về Chúa Giêsu, chữ “Chúa Chiên” gần với ý nghĩa Thánh Kinh của pastor hơn là chữ mục tử.



-----------------------

[1] Xem http://www.etymonline.com: shepherd.
[2] Ví dụ: King James Bible; Jubilee Bible 2000; American King James Version; Douay-Rheims Bible; Webster's Bible Translation.
[3] Thanh Nghị, TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, Thời Thế xb, Sài Gòn, 1958, tr. 835.
[4] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000, tr. 1199.
[5] Thanh Nghị, Sđd., tr. 835 và Nguyễn Lân, Sđd., tr. 1199.
[6] Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957, tr. 838.


Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Mục tử

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10-2024
Cầu nguyện cho sứ mạng được chia sẻ
Chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo Hội được tiếp tục nâng đỡ bằng tất cả những phương thức có thể, một lối sống công nghị, việc đồng trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia, sự hiệp thông và chia sẻ sứ mạng giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
For a shared mission
When bishops and laypeople meet for the second part of the Synod on Synodality during October, the faithful are asked to pray that “the Church continues to sustain a synodal lifestyle in every way.”
SUY NIỆM TIN MỪNG
Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@