Print  
Chữa lành những trái tim tan vỡ
Bản tin ngày: 05/02/2019   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Trẻ em tị nạn Syria
TT (Aleppo, Syria, 31/1/2019, CNA/EWTN News, Courtney Grogan) - Khi người dân Syria làm việc để xây dựng lại thành phố, bệnh viện, nhà cửa và các trường học đã bị phá huỷ sau những năm xung đột, họ cũng phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn, theo một nữ tu công giáo Syria: sửa chữa trái tim tan vỡ. Sr. Annie Demerjian thuộc Cộng đoàn Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nói: "Rất dễ dàng để xây dựng lại một ngôi nhà, nhưng rất khó để xây dựng lại một tâm hồn bị rạn vỡ."

Nữ tu người Syria này đã ở lại Aleppo trong suốt gần 8 năm nội chiến Syria, nói rằng có một nhu cầu rất lớn để chữa bệnh tâm lý do những chấn thương và nỗi thống khổ người dân của chị đã phải chịu đựng trong suốt cuộc xung đột. "Thật là rất khó để mất đi một ai đó, khó khăn hơn nữa khi cái chết không theo cách bình thường - họ hoặc bị giết chết hoặc bị trúng bom hay bị xử tử."

Nhiều người Syria đang đối phó với một sự mất mát như vậy. Ngoài bạo lực dưới bàn tay của ISIS, theo ước tính hơn 400.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nội chiến Syria nổ ra hồi tháng 3 năm 2011. Ít nhất 28.226 vụ thương vong là trẻ em, theo Mạng lưới Nhân quyền Syria. "Cuộc chiến đã cướp khỏi trẻ em thời thơ ấu và sự ngây thơ và giết chết độ trong sáng trong mắt họ; các em vừa là khán giả vừa là diễn viên bất đắc dĩ trong một địa ngục không do các em tạo ra", Sr. Demerjian chia sẻ tại một buổi cầu nguyện nhằm hỗ trợ cho Giáo hội có Nhu cầu vào mùa thu năm ngoái.

Demerjian trích dẫn một thống kê của UNICEF rằng khoảng 3,7 triệu trẻ em Syria đã được sinh ra kể từ khi Nội chiến Syria bắt đầu. "Sinh ra và lớn lên trong thời gian này, các em chỉ biết huỷ diệt, bạo lực và cái chết." Sơ đặc biệt ghi nhận sự đau đớn của trẻ em bị mất một hoặc cả cha lẫn mẹ. "Rất khó để cầm lòng với vết thương lớn lao này. Tôi cầu xin Chúa chữa lành vết thương trong trái tim của họ và làm cho họ chấp nhận với một trái tim của sự tha thứ."

Trẻ em còn bị ảnh hưởng theo những cách khác nữa. Syria có tỉ lệ đi học thấp nhất trên thế giới sau khi hàng chục ngàn giáo viên trốn khỏi đất nước và một trong ba trường đóng cửa do thiệt hại. Bệnh viện đã trở thành mục tiêu quân sự trong cuộc nội chiến. Hơn 300 cơ sở y tế ở Syria đã bị tấn công và ít nhất 768 chuyên gia y tế đã bị giết chết trong cuộc xung đột, theo Hiệp hội các Y sĩ vì Nhân quyền.

"Trong nhiều năm, các linh mục và các nữ tu đã sống cơn ác mộng này cùng với dân chúng... Có nhiều đêm dài không có điện, có nghĩa là làm việc và cầu nguyện dưới ánh nến, thường dưới màn pháo kích nặng nề. Nó có nghĩa là nghe đến các trường hợp tử vong và chờ đợi và tự hỏi sẽ tới lượt ao đây", Sr. Demerjian nói.

Trong khi lãnh thổ Nhà nước Hồi giáo đã sụp đổ, ước tính khoảng 20.000 đến 30.000 tay súng ISIS vẫn còn ở Iraq và Syria ngày hôm nay, theo một báo cáo gần đây được phát hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Và với lực lượng chính phủ tập trung vào vài vùng lãnh thổ nổi loạn còn lại trong cả nước, cuộc nội chiến ở Syria có thể được giảm đi, nhưng không rõ liệu các quốc gia sẽ tìm được bình an thời kỳ sau chiến tranh.

Sr. Demerjian xin cầu nguyện cho những ai phải đối diện trực tiếp với cuộc xung đột. "Tôi muốn cầu nguyện cho tất cả những người mang vũ khí, những người đã giết những người khác, rằng Chúa sẽ soi sáng tâm trí và trái tim của họ để nhận ra sự thật, để thấy rằng cuộc sống là một món quà từ Chúa và chỉ có Ngài mới có quyền lấy đi."

Nhiều Kitô hữu đang đối phó với một cảm giác mất mát, không chỉ mất mát do những người thân yêu đã chết, mà còn từ sự mất mát cộng đồng do làn sóng di cư gây ra. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 11 triệu người Syria đã rời bỏ nhà cửa của họ. "Nhiều Kitô hữu di cư sang phương Tây, trong khi những người không có phương tiện và kết nối lại trốn sang Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Dân số Kitô giáo tại Syria đã giảm từ con số 1,4 triệu vào năm 2011 xuống còn khoảng 450.000 người". Tuy nhiên, Sr. Demerjian nói rằng sơ được khuyến khích bởi đức tin vĩ đại mà sơ thấy nơi những người Công giáo đã chọn để ở lại.

"Bất cứ lúc nào chúng tôi hỏi các tín hữu cách thức họ đối phó với nghịch cảnh, câu trả lời của họ là 'Tạ ơn Chúa'. Đây là một dấu hiệu chắc chắn của niềm hy vọng và tin tưởng họ đặt vào Chúa Giêsu, Đấng đang bị đóng đinh với chúng tôi và sẽ không bỏ rơi chúng tôi."


Mi Trầm
https://www.catholicnewsagency.com/news/rebuilding-broken-hearts-a-syrian-sisters-prayer-for-her-country-45392
In ngày: 29/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print