Print  
Tin tổng hợp
Bản tin ngày: 08/08/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Thánh lễ tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử tại Nagasaki, Nhật Bản

NAGASAKI - Đức Tổng Giám mục Luigi Celata, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, đã kêu gọi tín hữu mọi tôn giáo cộng tác với nhau để xây dựng hoà bình, và tránh cho nhân loại khỏi trở thành nạn nhân của bom nguyên tử.

Đức cha Celata đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thánh lễ đồng tế, do Đức cha Joseh Takami Mitsuaki, Tổng Giám mục Ngasaki, chủ sự, để tưởng niệm các nạn nhân của trái bom nguyên tử thứ hai nổ tại Nagasaki ngày mồng 9-8-1945.

Ngỏ lời đầu thánh lễ, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Joseph Chennot, Sứ thần Toà Thánh tại Nhật Bản, đông đảo các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, Đức Tổng Giám mục Celata nói tín hữu của mọi tôn giáo có thể góp phần đặc thù của các truyền thống tinh thần cho việc cải tiến thế giới. Đó là các tâm tình “trắc ẩn”, “thương xót”, “tha thứ” và “tình yêu thương” phản ánh xác tín tất cả mọi người đều là chi thể trong gia đình nhân loại duy nhất, và cùng chung số phận với nhau. Ơn đức tin ban cho tín hữu ánh sáng giúp hiểu rằng hoà bình và khả thể thực hiện nó chỉ có nền tảng cuối cùng nơi Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và là Cha của tất cả mọi người. Và Thiên Chúa mời gọi mọi người sống như anh chị em với nhau... Chứng tá trung thành với Thiên Chúa và tình yêu đối với các anh chị em Kitô và không Kitô, do các thánh và chân phước tử đạo Nagasaki để lại, mời gọi chúng ta nhìn biết bao nhiêu nạn nhân của sự man rợ của chiến tranh hạt nhân, với sự gắn bó lòng tin được canh tân.

Cách đây 67 năm, ngày mồng 9-8-1945, Hoa Kỳ đã cho ném quả bom nguyên tử “Fat Man” người mập chứa 6,4 kg Plutonio 239 xuống thành phố Nagasaki, khiến cho 80.000 người thiệt mạng. Hai trái bom nguyên tử đã khiến cho Nhật Bản phải đầu hàng ngày 15-8-1945.

Trong buổi phỏng vấn dành cho Đài Vatican ngày 8-8-2012, Đức Tổng Giám mục Nagasaki Joseph Mitsuaki Takami cho biết hiện tại Nhật có phong trào chống các trung tâm nguyên tử rất mạnh. Mọi người hy vọng chính quyền Nhật thay đổi đường lối chính trị năng lượng và tìm ra các sáng kiến cụ thể khác để có năng lượng và loại trừ các trung tâm năng lượng nguyên tử, như chính quyền Đức đang làm.

Nói cho cùng, một trung tâm năng lượng nguyên tử thì cũng giống như một trái bom nguyên tử, vì năng lượng sử dụng đều như nhau. Đúng là năng lượng do các trung tâm nguyên tử sản xuất được dùng cho các thiện ích của xã hội, nhưng đồng thời nó cũng rất nguy hiểm cho sự sống con người, bởi vì nó có thể làm ô nhiễm trái đất, thiên nhiên và chính cuộc sống của con người.

Theo Đức cha Takami, chúng ta hiện có các nguồn năng lượng khác phát xuất từ thiên nhiên như mặt trời và gió... Cần phải khai thác và phát triển các kỹ thuật giúp sản xuất năng lượng thiên nhiên, nhưng cho tới nay tân chính quyền Nhật Bản chưa làm gì cả. Vụ nổ Lò Nguyên tử Fukushima dạy cho biết rằng nếu các bom nguyên tử được chế tạo để giết người, thì các lò nguyên tử không có mục đích ấy, nhưng chúng vẫn luôn nguy hiểm, bởi vì chất phóng xạ của chúng có thể trở thành một vũ khí hạt nhân. Vụ nổ lò nguyên tử đã khiến cho nhiều người mất hết mọi sự, phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn để chạy trốn cái chết và phải đau khổ rất nhiều. Vụ nổ lò nguyên tử đã xảy ra và có thể xảy ra trong tương lai. (RG, SD 8-8-2012)

Tuần Hoà Bình bên Colombia

BOGOTÀ - Hôm 9-8-2012, Giáo hội Colombia phát động Tuần Hoà Bình nhằm mục đích thăng tiến dấn thân tạo dựng hoà bình để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều thập niên qua.

Tuần Hoà Bình có chủ đề là “Chúng ta hãy đồng ý hoà bình và xây dựng các tương quan” và sẽ kéo dài cho tới ngày 16-8-2012.

Chương trình của Tuần Hoà Bình được Văn phòng Mục vụ Xã hội Quốc gia và Mạng lưới Sáng kiến Hoà bình Toàn quốc giới thiệu với giới báo chí. Bên cạnh mục đích xậy dựng hoà bình toàn diện, còn có việc bồi thường cho các nạn nhân. Chính vì thế, Văn phòng Mục vụ Xã hội đã thêm khẩu hiệu “Sửa chữa và đền bù cho các nạn nhân, một lộ trình cho nền hoà bình lâu dài”.

Tuần Hoà Bình là một trong nhiều sáng kiến Giáo hội Colombia đã phát động trong hơn thập niên qua, nhằm hoà giải mọi thành phần quốc gia bị xâu xé vì cuộc nội chiến và các bạo lực do các tổ chưc buốn bán ma tuý và tội phạm cũng như các phiến quân và quân đội đã gây ra cho người dân Colombia. Tuần Hoà Bình đã được phát động lần đầu tiên hồi năm 1994 và trong các năm qua đã trở thành nơi gặp gỡ của nhiều tổ chức, phong trào, hiệp hội dân sự và tôn giáo, nhằm thúc đẩy hoà giải, đối thoại và công bằng xã hội. Năm nay cũng có hàng chục đại học, các tổ chức, các trung tâm văn hoà và các cơ cấu xã hội tham dự. (SD 6-8-2012)

HĐGM Rwanda nhóm họp để chuẩn bị việc cử hành Năm Đức Tin

KIGALI - Hôm mồng 7-8-2012, Ban Thường vụ của HĐGM Rwanda đã nhóm họp tại thủ đô Kigali để thảo luận về việc cử hành Năm Đức Tin sẽ khai mạc ngày 11-10 tới đây, nhân kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng Chung Vatican II.

Trong cuôc họp, do Đức cha Smaragde Mbonyintege, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Rwanda, chủ sự, các Giám mục cũng soạn chương trình nghị sự cho phiên khoáng đại sắp diễn ra trong các ngày 28 đến 31-8 này.

Trong địp đó, các Giám mục sẽ tổng kết các thành quả cũng như vạch ra chương trình cho các đại chủng viện, gặp gỡ các đại diện của Học viện Nghiên cứu Đối thoại và Hoà bình, và tiếp đón một vài đại biểu của tổ chức bác ái Hoa Kỳ đến từ Baltimore. Các Giám mục cũng thảo luận chương trình chuẩn bị cho Diễn đàn Giới trẻ Quốc tế do cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức tại Kigali trong các ngày từ 14 đến 18-11 năm nay.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Rwanda cũng duyệt xét lời mời tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Trung Phi, sẽ diễn ra tại Bukavu trong các ngày từ 17 đến 19-9 tới này. Sau cùng là lắng nghe tường trình của Caritas Rwanda trong công tác trợ giúp người tị nạn Congo ở Kigeme, và lên chương trình cho chuyến viếng thăm người tị nạn của Uỷ ban Mục vụ cho Người Tị nạn. (SD 9-8-2012)

Giáo hội Úc kêu gọi chính quyền thông qua luật cải tổ việc chơi cờ bạc

SYDNEY - Trong những ngày qua, Giáo hội Công giáo Úc đã yêu cầu chính quyền nước này mau chóng thông qua luật cải tổ việc chơi cờ bạc để ngăn chặn các thiệt hại xảy ra cho các gia đình và cộng đoàn xã hội.

Ông Bernard Boerma, đặc trách Uỷ ban Trợ cấp Xã hội của Tổng Giáo phận Sydney, đã cho biết như trên. Theo ông, chính quyền không được lơ là với luật cải tổ này. Luật bắt buộc các người chơi cờ bạc qua máy video phải khai trước mình có thể đánh cá bao nhiêu, trong khi các máy đánh bạc phải được điều chỉnh lại và hạn chế số tiền chơi là 120 đô la Úc trong 1 giờ thay vì 1.200 đô la Úc 1 giờ như hiện nay.

Trong thông cáo công bố ngày 7-8-2012, ông Boerma mạnh mẽ ủng hộ các hạn chế này và khẳng định rằng luật mà Quốc hội đang thảo luận là một bước tiến trong việc đương đầu với tệ nạn cờ bạc đang tàn phá xã hội Úc.

Do đó, Giáo Hội cầu mong có sự phòng ngừa theo kiểu của chương trình GAINS, nghĩa là gây ý thức về việc cờ bạc, can thiệp và nâng đỡ, do Uỷ ban Trợ cấp Xã hội của Tổng Giáo phận Sydney phát động hồi tháng 8 vừa qua cùng với các tổ chức Công giáo khác.

Dự án này kéo dài 5 năm và nhắm mục đích nhận diện các người mắc bệnh chơi cờ bạc trên máy để cùng với gia đình họ giúp họ liên lạc với các cơ quan yểm trợ, hầu có thể thoát ra khỏi đường hầm đen tối của máu mê cờ bạc. Chương trình GAINS nói trên chỉ là một phần đóng góp cho việc cải tổ nghiêm ngặt chống nạn cờ bạc.

Ông Boerma nói: “Thật không thể chấp nhân được khi có tới 40% những tay đánh bạc trên máy video mắc bệnh cờ bạc, và mất tới 1.200 đô la Úc chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. (SD 7-8-2012)

Giáo phận Kilwa Kasenga bên Congo tố cáo nạn khai thác gỗ bất hợp pháp

KINSHASA - Giáo phận Kilwa Kasenga nước Cộng hoà Dân chủ Congo đã mạnh mẽ tố cáo nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân và cho tài nguyên của đất nước.

Trong thông cáo công bố ngày 4-8-2012, giới chức giáo phận Công giáo cho biết gỗ trong vùng Kasomeno, cách Lubumbashi 140 cây số về mạn bắc, đang bị khai thác một cách vô trật tự. Mỗi ngày đều có ít nhất 4 chiếc xe tải chở đầy gỗ quý, nhất là loại “umukula” quý hiếm bán cho Trung Quốc, qua ngã Dar es Salam của Tanzania. Có những vùng rừng mất cây hiện nay trống trơn, đe doạ môi sinh của dân chúng địa phương. Nhóm người Trung Quốc khai thác gỗ bất hợp pháp này được sự yểm trợ của vòng bà con thân thuộc của tổng thống. Giới chức Giáo phận Kilwa Kasenga yêu cầu các cơ quan kiểm lâm gửi nhân viên tới để chặn đứng nạn cướp bóc tài nguyên quốc gia này.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã mua 9 triệu mẫu đất của Cộng hoà Dân chủ Congo để trồng ngũ cốc, với giá rẻ mạt 1.000 mỹ kim 1 mẫu. Cùng với việc mua đất đai và xây dựng hệ thống thương mại và mua quặng mỏ của các nước Phi châu, Trung Quốc còn đưa người sang các nước Phi châu để giải quyết nạn khan hiếm phụ nữ trong nước. (FIDES 4-8-2012)

Đức TGM Kaigama tố cáo các nhóm Hồi cuồng tín tại Nigeria

ABUJA - Đức cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám mục Abuja, và Đức cha Ignatius A. Kaigama, Tổng Giám mục Giáo phận Jos bên Nigeria, đã mạnh mẽ lên án các vụ sát hại các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Nigeria những ngày vừa qua.

Như đã biết, ngày 6-8-2012, một toán người vũ trang đã đột nhập nhà thờ của cộng đoàn “Cuộc sống Thánh Kinh sâu xa hơn” tại Otite, bang Kogi, và bắn vào tín hữu đang cầu nguyện, khiến cho 15 phụ nữ và 10 đàn ông bị chết.

24 giờ sau đó, các toán vũ trang lại tấn công đền thờ Hồi giáo tại Okene trong cùng bang Kogi, khiến cho 4 người thiệt mạng, kể cả 2 binh sĩ canh đền thờ.

Đức Tổng Giám mục Abuja nói rằng tổ chức Boko Haram là một đe doạ cho tất cả mọi người dân Nigeria, và đây không phải là lần đầu tiên họ tấn công đền thờ Hồi giáo. Nhưng các cuộc tấn kích trước đây không tàn bạo bằng các vụ tấn công các nhà thờ Kitô. Mọi người phải ý thức rằng mình đang đứng trước một nhóm tội phạm, mà tất cả mọi người dân Nigeria, Kitô cũng như Hồi giáo, phải cùng nhau đối phó. Okene là một cộng đoàn có đại da số dân theo Hồi giáo, Kitô hữu chỉ là một thiểu số rất bé nhỏ. Nhưng cộng đoàn này là một trong các thí dụ cho thấy Kitô hữu và tín hữu Hồi sống chung với nhau. Vì thế, không thể chia rẽ họ đựơc. Tuy không có các thống kê chính xác, nhưng các tín hữu Hồi nạn nhân của lực lượng Boko Haram nhiều hơn các tín hữu Kitô.

Tổ chức Boko Haram gieo rắc chết chóc và bạo lực tại miền bắc Nigeria, là vùng có đại đa số dân theo Hồi giáo. Họ tấn công chợ búa, các đồn bót cảnh sát, các toà báo. Đức cha Onaiyekan cho biết các tay khủng bố Boko Haram tấn công các nhà thờ và khẳng định rằng họ muốn đuổi các Kitô hữu đi nơi khác, nhưng họ không đại diện cho Hồi giáo Nigeria.

Đức Tổng Giám mục Kaigama của Giáo phận Jos cũng lên án các vụ sát hại nói trên và khẳng định rằng, tại Nigeria, tín hữu Kitô và Hồi giáo vẫn sống hoà bình với nhau. Đức cha cho biết có các lực lương nước ngoài đứng đàng sau các vụ tấn công và sát hại này, (CNA 7-8-2012; FIDES 8-8-2012)

Linh Tiến Khải
RV
In ngày: 09/10/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print