Print  
Kateri Tekakwitha, Chân phước thổ dân Mỹ sắp được phong thánh, truyền cảm hứng cho khách hành hương
Bản tin ngày: 08/02/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Chân phước Kateri Tekakwitha
EMTY (Mohawk Valley, New York, RNS) – Cậu bé 12 tuổi Jake Finkbonner cúi xuống và khuấy tay vào hồ nước, chảy ra từ một con suối tự nhiên tại Đền Quốc gia Chân phước Kateri Tekakwitha, tại Fonda, New York, Hoa Kỳ. Với cử chỉ đơn sơ đó vào một ngày cuối tuần tháng 7 gần đây, cậu bé như được hoà mình vào câu chuyện của người thổ dân Mỹ sống ở thế kỷ 17, người thôn nữ sẽ được Giáo hội Công giáo tuyên thánh vào ngày 21-10 sắp tới.

Jake bị cuốn hút vào câu chuyện của người thôn nữ mà cậu bé tin là đã xảy ra một điều kỳ diệu. Việc cậu bé được khỏi căn bệnh vi khuẩn ăn thịt (flesh-eating) không thể giải thích được hồi năm 2006 là nhờ vào lời thỉnh cầu Chân phước Kateri (phát âm là Gad-a-lee trong tiếng Mohawk).

Jake, là hậu duệ của dòng họ Lummi, nói rằng cậu đã quen với việc bị chú ý kể từ khi mọi người biết cậu bé là tâm điểm của phép lạ, điều làm cho Vatican quyết định tuyên bố Kateri là thánh - một bước tiến làm cho thánh nhân trở thành một trong những mẫu gương thánh thiện của Giáo Hội và là người Thổ dân Mỹ đầu tiên được phong thánh.

Cậu bé thích đọc sách, chơi bóng rổ và rất thích trò chơi điện tử. Cậu và đứa em gái 10 tuổi, Miranda, còn được học làm lễ sinh. “Cháu rất biết ơn và cảm ơn cô ấy”, Jake nói về Kateri.

Con suối ở ngoại ô New York được cho là nơi Kateri Tekakwitha được rửa tội và chính thức trở thành Kitô hữu vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1676. Con suối đó cung cấp nước cho làng Mohawk, nơi Kateri đã sống 11 năm. Jake và gia đình cậu bé lấy đầy một số chai nước từ con suối này để đưa về nhà của họ ở Ferndale, bang Washington.

Gia đình Finkbonners nằm trong số hàng trăm người đến viếng Đền Kateri và Đền Đức Mẹ Các Thánh Tử Đạo, tại Auriesville, New York, như là một phần của Đại hội Tekakwitha lần thứ 73, diễn ra hằng năm vào giữa tháng 7 ở Albany gần đó.

Đại hội Tekakwitha, có trụ sở tại Great Falls, Montana, và là tổ chức tôn giáo duy nhất của người Công giáo thổ dân Mỹ tại vùng Bắc Mỹ. Theo Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, ước tính có 680.000 người thổ dân Công giáo Mỹ sống tại Hoa Kỳ.

Ngoài đại hội diễn ra hằng năm, còn có nhóm các nhà tài trợ cho những nhóm Công giáo thổ dân tại địa phương, được gọi là Circles Kateri. Chủ đề của đại hội năm nay là “Theo Bước chân Thánh Nhân tại quê hương Kateri”.

Kateri sinh năm 1656, là con của một phụ nữ Kitô giáo Algonquin và một tù trưởng tại làng Mohawk trong vùng Auriesville (sau này được gọi là Ossernon). Khi lên 4 tuổi, một bệnh dịch đậu mùa đã hoành hành bộ lạc và cướp đi sinh mạng của cha mẹ và em trai cô. Chứng bệnh để lại trên gương mặt cô những vết sẹo và cô gần như bị mù trong suốt quãng đời còn lại. Chú của cô, một người chống đối Kitô giáo, đã nhận nuôi cô. Ông ép cô lấy một thanh niên thuộc bộ tộc Iroquois. Nhưng Kateri đã từ chối cuộc hôn nhân này và tỏ ý muốn được rửa tội và dâng mình cho Chúa Kitô.

Kateri mất năm 1680, lúc mới 24 tuổi, tại Montreal, trong bang Quebec của Canada, nơi cô trú ẩn sau khi trốn khỏi bộ tộc Iroquois, những người không chấp thuận việc trở lại đạo của cô. Các nhân chứng nói rằng sau khi tắt thở vài phút, những vết sẹo trên mặt Kateri hoàn toàn biến mất và khuôn mặt Kateri toả sáng với vẻ đẹp rạng rỡ. Thi hài của Kateri được mai táng tại một nhà thờ gần Montreal.

Những người Công giáo sùng kính Kateri vì sự cam kết của cô với Giáo Hội mặc dù bị chế nhạo và bị tẩy chay.

Đền Auriesville cũng được dâng kính cho 3 nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp (nổi tiếng nhất là Isaac Jogues) người đã bị người bộ tộc Mohawk giết vào năm 1640. Giáo hội Công giáo xem các nhà truyền giáo là các vị tử đạo, vì họ đã chết để bảo vệ đức tin của mình.

Các đền cách nhau một vài dặm, và xe buýt đã chở nhiều người trong số 800 tham dự viên đại hội để họ có thể thăm viếng các đền trong thung lũng Mohawk. Những bức tượng của Kateri và những nhân vật Công giáo thánh thiện khác được đặt rải rác trên các khu đất giữa các đền. Tại Đền Kateri, khách hành hương phải leo lên một ngọn đồi mới tới địa điểm nguyên thuỷ của làng Mohawk hồi thế kỷ 17, sau này được gọi là Caughnawaga. Biên giới của ngôi làng được đánh dấu bằng những cột màu khác nhau, ghi dấu những cuộc khai quật khảo cổ bắt đầu vào năm 1943.

Các đền thánh còn có các nhà bảo tàng với đầy đủ các vật dụng của bộ tộc Iroquois, chẳng hạn như đồ gốm, giỏ, ống điếu, cũng như các vật dụng khác liên quan đến văn hoá thổ dân Mỹ. Một nhà nguyện tại Auriesville trưng bày một di tích - một mảnh xương nhỏ - của Kateri.

Ngay phía trong bức tường kiên cố của Caughnawaga, ông Steve Senter, ở thành phố Lapwai, thuộc bang Idaho của Hoa Kỳ, đang quỳ gối và lấy đất cho vào một túi nhựa nhỏ. Ông dự định sẽ mang nó về nhà cho một người bạn ở Khu Bảo tồn Nez Perce. “Đó là một phần đất nơi thánh nhân đã đi qua” - ông nói - “Đó cũng là loại đất thánh”.

Bà Mary McNamara, cư dân ở Fultonville, New York, đã tham dự Thánh lễ tại Auriesville vào những mùa hè kể từ thập niên 1980. “Thánh nhân đã dâng hiến hoàn toàn. Không có áp lực nào ép buộc thánh nhân kết hôn hoặc bất cứ điều gì, vì thánh nhân đã dâng hiến cuộc đời cho Chúa Giêsu”, bà nói. “Tôi cầu xin thánh nhân cho tôi một chút trong các ơn đó”.

Đức Giám mục Robert J. Cunningham của Syracuse đã cử hành Thánh lễ vào lúc xế trưa cho khách hành hương trong một ngôi nhà nguyện tròn khổng lồ, được gọi là Nhà thờ Coliseum.

Trong bài giảng, ngài lưu ý rằng Tekakwitha có nghĩa là “người dò dẫm đường đi”. Sự diễn tả này đề cập đến thị lực suy giảm của Kateri và cũng là một thông điệp cho các Kitô hữu đang phải đấu tranh để sống Tin Mừng - ngài nói.

“Nét đơn sơ trong cuộc sống, chiều sâu đức tin và sự dâng hiến của thánh nhân là mẫu gương cho những ai muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho những người trong chúng ta đang dò dẫm trên những nẻo đường đức tin”, Đức cha Cunningham nói.

Hai anh em Lm. William Shaw và John Shaw cũng từ White Swan của bang Washington, gần Spokane, đến dự Đại hội Tekakwitha. Hai cha hiện coi sóc Khu Bảo tồn Yakama, trong đó bao gồm 10.000 thổ dân, 1/10 người trong số đó là người Công giáo. Các cha nhận thấy không có mâu thuẫn nào giữa truyền thống của người thổ dân Mỹ bản địa và giáo lý Công giáo. “Chúng rất phù hợp với nhau”, Cha William Shaw nói.

(Theo Renee K. Gadoua, viết cho tờ The Post Standard tại Syracuse, New York)

BBT
In ngày: 18/05/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print