THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ
Tin và Sống trong Thời đại Ngày nay
(kỳ cuối)
Trao đổi với Peter Seewald
Tác giả: Joseph Ratzinger - Beneđictô XVI
Phạm Hồng Lam chuyển ngữ
Sách do Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại xuất bản
CHƯƠNG III
GIÁO HỘI
18. TƯƠNG LAI
Giáo Hội thiểu số hay Giáo Hội đa số?
Nhiều năm trước đây, ngài đã nói điều rất tiên tri về Giáo Hội tương lai. Lúc đó ngài nói: “Giáo Hội sẽ nhỏ lại, nó sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng sau tiến trình thử thách, một sức mạnh sẽ toả tràn ra từ Giáo Hội gọn nhẹ và tâm linh đó. Bởi vì con người trong thế giới được hoạch định chu đáo hiện nay sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn… Và rồi người ta sẽ nhìn ra một cái gì mới mẻ trong các nhóm nhỏ tín hữu sống đạo. Một hy họng mà họ vẫn trông mong, một giải đáp mà họ vẫn âm thầm tìm kiếm”. Xem ra ngài có lý. Nhưng Âu châu hiện sẽ đi về đâu?
Trước hết: Giáo Hội có nhỏ lại không? Khi tôi nói điều đó, khắp nơi người ta tố cáo tôi là người bi quan. Và ngày nay xem ra chẳng có gì cấm kị hơn cái mà người ta gọi là bi quan – cái đó cũng thường chỉ có nghĩa là thực tế. Lúc này thì đa số đã chấp nhận là số tín hữu Kitô hiện nay ở Âu châu đang giảm. Chẳng hạn, thành phố Magdeburg (Đức) chỉ còn 8% Kitô hữu – nên nhớ: đủ mọi loại Kitô hữu đấy nhé. Các thống kê đó là những thực tế mà ta không thể chối cãi. Với đà đó, Giáo Hội trên nhiều vùng văn hoá Âu châu, chẳng hạn ở Đức, đã mất tính cách Giáo hội quần chúng (nghĩa là của đa số) rồi. Ta phải quan tâm chuyện này.
Nghĩa là sao?
Giáo Hội đa số có thể là cái gì đó rất đẹp, nhưng không hẳn cần thiết. Trong 3 thế kỷ đầu, Giáo Hội tuy nhỏ, nhưng không chia năm xẻ bảy. Trái lại, nó không co cụm lại, mà đứng ra lo cho người nghèo, người bệnh, cho tất cả mọi người. Trong Giáo Hội đó có chỗ cho tất cả những ai tin vào một Chúa, cho những ai đi tìm lời hứa.
Thoạt tiên là những người kính sợ Thiên Chúa quây quần quanh các đền thờ Dothái trong khắp Đế quốc Rôma, họ tới với đền thờ và tạo thành một vòng ngoài mở rộng. Việc dạy giáo lý nhập đạo trong Giáo Hội xưa cũng mở ra gần giống y như vậy. Vì họ cảm thấy không thể đồng hoá hoàn toàn được với Dothái giáo, nên họ đã bám vào Giáo Hội để xem có nên bước vào trong đó không. Giáo Hội không phải là một câu lạc bộ khép kín, nhưng luôn mở ra cho mọi người, đó là một ý thức dính liền với Giáo Hội ngay từ đầu. Và khi các cộng đoàn chúng ta trở nên nhỏ lại, như chiều hướng ta đang thấy, chúng ta sẽ phải tìm lại hình thái mở rộng cho vòng trong vòng ngoài như trước đây. Vì thế, tôi không chống lại những người mỗi năm chỉ đến nhà thờ một hai lần vào dịp giáng sinh, tết hay một dịp đặc biệt nào đó, vì điều này, một cách nào đó, cho thấy họ còn muốn bám víu vào ơn thánh, vào ánh sáng. Vì thế, Giáo Hội phải mở rộng cửa, phải có những cách thế cho các hình thức nương tựa hay tham dự khác nhau.
Nhưng Giáo Hội đa số cũng là thành quả cao nhất của văn minh tôn giáo mà! Giáo Hội thật sự là một tổ chức chung, có chỗ cho mọi người, nó là thân cây với nhiều cành lá rợp bóng cho hết mọi người mà! Ta có thật được phép từ chối tính chất quần chúng, nghĩa là tổ chức của đa số, không? Dù sao thì đây cũng là một thành quả đạt được với bao nhiêu cố gắng và hy sinh.
Chúng ta phải chấp nhận mất mát, nhưng chúng ta sẽ luôn là một Giáo Hội mở. Giáo Hội không được đóng kín để thoả mãn cho riêng một nhóm nào. Nhất là ta phải mang tinh thần truyền giáo, bằng cách luôn nhắc nhở xã hội về những giá trị làm nên lương tri của nó, về những giá trị làm nên nền tảng hiện hữu của quốc gia, và ta luôn phải là một cộng đồng xã hội thật sự nhân bản.
Trong ý nghĩa đó, cuộc tranh luận về tình trạng quá khứ của Giáo Hội quần chúng chắc chắn sẽ được tiếp tục – trong một số quốc gia, Giáo Hội vẫn sẽ là tổ chức của đa số, nhưng ở một số khác, tình hình sẽ thay đổi. Giáo Hội sẽ tham gia vào tiến trình lập pháp và sẽ phải luôn quan tâm tới những hằng số nhân bản lớn của tiến trình kết tụ xã hội của con người. Vì chưng, nếu luật pháp mất nền tảng luân lý chung của nó, thì cả luật pháp cũng sụp đổ.
Nhìn như thế, Giáo Hội phải có trách nhiệm cho cả toàn thể. Trách nhiệm truyền giáo có nghĩa là, như Giáo chủ đã nói, phải tìm cách nỗ lực tân Phúc Âm hoá. Ta không được an tâm ngồi nhìn mọi thứ bên ngoài mình rơi vào vòng ngoại giáo, nhưng phải tìm cho ra con đường mới đem Tin Mừng tới cho cả những vùng chưa tin. Đã có những mô mẫu cho lĩnh vực này rồi. Nhóm tân giáo lý học đạo (Neukatechumenat) đã có mô mẫu riêng, các tổ chức khác đang đi tìm con đường phù hợp cho họ. Giáo Hội phải có thật nhiều sáng tạo, để cho Tin Mừng luôn giữ được sức mạnh công chúng. Để Tin Mừng thấm nhập, cải hoá dân chúng và dậy men trong họ. Trước đây chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé giữa các tông đồ, nhưng như Chúa nói, họ đã là men và muối đất. Mọi chuyện đều khởi đầu từ nhỏ. Nhưng cũng phải khởi đầu với trách nhiệm cho cả toàn thể.
Gioan Phaolô II
Gioan Phaolô II là tảng đá của thế kỷ 20. Giáo hoàng từ Ba Lan là người ảnh hưởng trên Giáo Hội mạnh hơn nhiều vị tiền nhiệm khác. Ngay trong thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (Đấng Cứu chuộc Nhân loại), ngài đã xác định chương trình làm việc: Theo ngài, con người, thế giới, các hệ thống chính trị đã xa lìa “những đòi hỏi của luân lý và công chính”. Giờ đây, Giáo Hội phải có một giáo huấn rõ ràng để đối lại. Quan điểm này được nói đi nói lại trong tất cả các thông điệp của ngài. Ngài bảo, ta phải xướng lên “văn hoá sự sống” để chống lại “văn hoá sự chết”. Cái nền tảng Gioan Phaolô II để lại đó có thể là bàn đạp tốt để tiến vào thế kỷ 21 không?
Nền tảng đích thực dĩ nhiên là Đức Kitô, nhưng Giáo Hội luôn cần những lực đẩy mới, luôn cần được tiếp tục xây dựng. Có thể nói rằng, nhiệm kỳ giáo hoàng của Gioan Phaolô II có một sức mạnh ngoại lệ. Đó là một cuộc vật lộn chống lại tất cả những vấn nạn nền tảng của thời đại chúng ta – và ngoài ra, ngài còn tặng cho chúng ta nguồn vốn tích cực để đi tới.
Các thông điệp lớn của Giáo hoàng, mở đầu với “Đấng cứu chuộc nhân loại”, rồi tới bộ ba thông điệp trình bày khuôn mặt của Thiên Chúa, thông điệp quan trọng về luân lý, thông điệp về sự sống, thông điệp về đức tin và lý trí cắm lên những trụ cọc, như anh nói, làm nền cho ta có thể xây tiếp lên đó. Sở dĩ nói xây tiếp, là vì Kitô giáo, trong một thế giới biến chuyển quá nhanh như hiện nay, luôn phải phát biểu một cách mới mẻ.
Trước đây, khi đối diện với Dothái giáo, Hồi giáo và văn hoá La - Hy, Tôma ở Aquino đã phải đưa Kitô giáo vào một lối nghĩ mới, để tạo cho nó một hình thù kéo dài mãi cho tới Thời mới. Hình thù này sau đó đã được thay đổi khi nhân loại bước vào thời mới, qua các quyết định nền tảng của Công đồng Trento do hậu quả của Cải cách. Mô hình Giáo Hội này đã kéo dài 500 năm. Ngày nay, trước cuộc biến chuyển quan trọng của thời đại, chúng ta phải làm sao một mặt vẫn duy trì được cái bản sắc của toàn thể, mặt khác tìm ra được cái khả năng sống động, làm sao phát biểu chúng một cách mới mẻ và hiện tại hoá chúng. Trên lĩnh vực này, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có một đóng góp lớn.
Giáo Hội hoàn vũ trong tương lai
Trước đây 50 năm, các nước kỹ nghệ còn chiếm 1/3 nhân loại. Chỉ cần hai thế hệ nữa thì 90 phần trăm dân số thế giới thuộc về các nước đang phát triển. Tới giữa thế kỷ 21, riêng Trung Quốc hay Ấn Độ, mỗi nước cũng sẽ có số dân nhiều hơn cả thế giới phương Tây gộp lại.
Và Giáo Hội hoàn vũ trong tương lai cũng sẽ có những biến chuyển dân số lớn. Hiện nay, các cộng đoàn Giáo Hội trong thế giới thứ ba trước đây, không chỉ xét riêng về số lượng, đã vượt số giáo xứ của các nước Trung Âu. Phi châu, chẳng hạn, đầu thế kỷ 20 mới có 1,7 triệu tín hữu Công giáo, nay bước vào thế kỷ 21 đã lên tới 110 triệu. Lúc này đã có thể mường tượng được hình thái Giáo Hội, cả phụng vụ và mục vụ, sẽ thay đổi ra sao chưa?
Tôi nghĩ lúc này mình không nên tính toán ngoại suy, bởi vì lịch sử luôn có quá nhiều biến chuyển bất ngờ. Mọi chẩn đoán tương lai sẽ bị yếu tố bất ngờ lật nhào. Chẳng hạn, đã chẳng ai dám tiên đoán sự sụp đổ của các chế độ cộng sản, biến cố này đã tạo nên một tình trạng lịch sử hoàn toàn mới. Đúng, hình ảnh xã hội thế giới sẽ thay đổi rất lớn. Thế giới phương Tây, nơi lượng người đang giảm và hiện đang là vùng có sức mạnh trấn át, rồi ra sẽ ra như thế nào? Việc di dân - dĩ nhiên hết người thì phải đưa thêm vào chứ - sẽ biến bộ mặt Âu châu ra sao? Lực ảnh hưởng sẽ nghiêng về đâu, nền văn minh nào, hình thái xã hội nào sẽ thắng thế? Tất cả những cái đó lúc này chưa thể đoán được.
Vì thế, phải vô cùng thận trọng với những phát biểu về tương lai. Tuy nhiên, chắc chắn là tiềm năng tín hữu sẽ khác đi. Con người phương Tây với thái độ hiện thời của họ về thế giới sẽ không thể tiếp tục giữ được sức mạnh trấn át như đã có. Những tâm tính mới, những đặc sủng mới sẽ phải xuất hiện và ấn dấu lên bộ mặt Giáo Hội.
Do đó, theo tôi, quan trọng nhất là ta phải cơ bản hoá/nền tảng hoá (Verwesentlichung), chữ Guardini dùng. Đây không hẳn là việc tưởng tượng tiền chế ra một cái gì đó, mà rồi trong thực tế lại xảy ra khác, và cái đó ta không thể biến chế được trong ống nghiệm. Nhưng đúng hơn, là tìm ra cái nền tảng và sống với nó, để rồi nó có thể sẽ hoá thân ra trong cái mới và được trình bày một cách mới mẻ. Trong ý nghĩa đó, đơn giản hoá cũng là một công tác quan trọng, nghĩa là mình phải tìm ra cái gì thực sự còn lại và cơ bản toả ra từ giáo huấn, từ đức tin của ta. Phải mang ra ánh sáng những hằng số nền tảng lớn, như vấn đề về Chúa, về sự cứu độ, về hi vọng, về sự sống, về cái gì là nền tảng trong luân lý, rồi hệ thống hoá chúng lại một cách mới.
Phải sửa đổi lại phụng vụ cho hợp với thế giới kỹ thuật và với những nền văn minh nào đó ư? Tôi không tin câu hỏi này cần thiết. Tất cả những thứ đó là sản phẩm tự chế của con người. Phụng vụ có được cái cao cả, là vì nó bắt nguồn từ khởi nguyên và lớn lên trong sống động. Nó phải được chúng ta bao bọc và gìn giữ một cách kính cẩn. Có như thế nó mới cao cả và mới nói được cho con người thuộc mọi nền văn minh khác nhau. Lại nữa, kho tàng nghi lễ đa dạng của phụng vụ đã có từ lâu. Nó sẽ cho ta biết dạng nào sẽ mang sức sống mạnh nhất trong các nền văn minh khác nhau.
Hãy để mắt quan sát nước Hoa Kỳ. Rõ ràng đó là quốc gia dẫn đầu thế giới. Chính trị, khoa học, kinh tế và nhất là lối sống của chúng ta ngày nay tất thảy đều bị ảnh hưởng mạnh do Hoa Kỳ. Công giáo Mỹ đã và đang có những đóng góp nào cho Công giáo thế giới?
Ngày nay, Công giáo Hoa Kỳ đã trở thành một trong những lực quyết định của Công giáo hoàn vũ. Giáo Hội ở Mỹ rất năng động. Dĩ nhiên nó cũng có những căng thẳng. Một mặt, có những nhóm nặng phê bình chỉ trích, họ muốn có một Kitô giáo duy lý và dân chủ hơn. Nhưng đồng thời cũng có những tâm điểm tôn giáo mới đang trỗi dậy, những cộng đoàn dòng tu mới hình thành và đòi phải có một nếp sống tu trì triệt để. Họ sống cuộc sống đó trong niềm tin vui, họ muốn đọc lại các Giáo phụ và Thánh Tôma ở Aquino, và muốn được huấn luyện theo tinh thần của các ngài. Đó là một Giáo Hội đang sống lại cái căn bản tôn giáo rất mạnh: dám hy sinh đời sống vì và cho đức tin, can đảm phục vụ vì đức tin. Đó là một Giáo Hội cũng mang trách nhiệm lớn đối với xã hội qua hệ thống giáo dục và nhà thương trải rộng của mình.
Trong Bộ chúng tôi, chẳng hạn, không phải chính chúng tôi quyết định về những vấn nạn liên quan tới luân lý y học, mà mỗi ngày do tiến bộ của y khoa càng tạo ra nhiều thêm. Người Mỹ có một mạng lưới bệnh viện Công giáo rất rộng. Nhờ thế ngày nay họ có một đội ngũ chuyên viên có hiểu biết sâu và kinh nghiệm sinh động trong lĩnh vực y khoa tân tiến. Chúng tôi trao những câu hỏi đó cho họ thảo luận, phác hoạ nên những đường hướng chỉ dẫn (Guidelines) và trao đổi với họ về những phác hoạ đó. Những giải đáp thoạt tiên mang tính địa phương, nghĩa là cho Hoa Kỳ mà thôi, nhưng vẫn để ngỏ để tiếp tục bổ túc kinh nghiệm các nơi khác. Nhưng dù vậy, các giải đáp trên cũng được kể như là những lời giải mẫu về mặt luân lý y học có thể áp dụng hay làm chuẩn cho các nơi khác.
Vì thế tôi tin rằng, với vốn kinh nghiệm to lớn về mặt đời cũng như kinh nghiệm đức tin mà họ đã trải qua, Giáo hội Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng quan trọng lên thế giới Kitô hữu ở Âu, Phi và Á châu. Trước đây người ta nói, cái gì xuất hiện ở Pháp, thì sẽ xuất hiện trên toàn thế giới. Nhưng nay thì khác. Hoa Kỳ, về mặt đời, cung cấp cho thế giới thời trang và khẩu hiệu. Còn về mặt đạo, Giáo Hội của họ tạo ra những mô hình kiểu mẫu. Lạ lùng là các mô mẫu đó đã đẩy lui đi cái Kitô giáo xem ra tân tiến và đồng thời quá lý trí và quá ít thấm nhuần đức tin, để đưa vào đó những xung lực đức tin thật sự và cả những hình thái sống đức tin điển hình.
Nghĩa là cũng có cả “sống lối Mỹ” (american way of life) cho đời sống Kitô giáo, Công giáo?
Lối sống đó thật sự thấm nhuần chất công giáo, chứ không chỉ chất “mỹ” mà thôi. Tôi tin rằng người dân trên nước Mỹ nhận vào mình toàn thể cái công giáo tính và muốn làm mới thế giới tân tiến.
Nước nào hiện nay có nền thần học được coi là hướng đạo hay có Giáo Hội mẫu mực? Con ngựa kéo đầu đàn nằm ở đâu?
Chẳng có chú ngựa cổ điển nào cả. Đúng hơn có một thuyết đa tâm.
Trước hết, châu Mỹ Latinh đã thách đố hoàn vũ Kitô giáo với thần học giải phóng. Nhưng nay nó đang đi dần vào quá khứ. Chỉ còn lại lời kêu gọi trách nhiệm đức tin về mặt chính trị và xã hội. Lúc này, châu Mỹ Latinh đang đam mê vấn đề hội nhập với những nền văn hoá thổ dân. Hoa Kỳ đang ở tuyến đầu trong việc vật lộn với những thách đố của thời đại mới. Cả trong khoa diễn giải, họ cũng đã có những thành tựu mới, lý luận một chiều của phương pháp phê bình lịch sử đã được họ thay thế bằng cái gọi là phương pháp diễn giải quy điển, nghĩa là bằng lối đọc hiểu Tin Mừng trong toàn thể của nó. Như vậy, nền thần học Hoa Kỳ đã có một đóng góp quan trọng. Nhưng Âu châu, cả Đức, luôn vẫn là nơi có tiềm năng lớn về thần học.
Nhờ hệ thống phân khoa thần học trong các đại học của chúng ta, nhờ tiền của và phương tiện ta sẵn có, việc nghiên cứu vẫn đang rất mạnh và sinh hoa kết quả. Dĩ nhiên có một thứ chủ nghĩa duy lý mới, mà người ta coi như là yếu tố hàn lâm bắt buộc, hiện đang là nguy cơ cho công tác thần học. Cái lối thần học duy lý này sẽ không tiến xa được, vì nó chối từ ngay những nền tảng của nó. Tôi tin thế hệ thần học mới sẽ lại nhìn ra được rõ hơn về nguồn cội của thần học, nó chủ yếu phải bắt nguồn từ đức tin, chứ không thể là nơi tính cách hàn lâm thuần tuý. Dù sao, Âu châu vẫn đang là điểm nóng của thần học.
Á châu có Ấn Độ, là nơi đang vật lộn với thế giới các tôn giáo và đang nỗ lực xác định chỗ đứng của đức tin trong thế giới ngày nay một cách điển hình. Phi châu ngày nay đang trở về với các giá trị truyền thống. Ta hãy nghĩ tới trọng lượng của Phi châu đã đạt được trong Hội đồng tôn giáo thế giới. Nơi đây, trong khi Tin lành phương Tây đang phải lặn ngụp trong các vấn đề sắc tộc, thì thế giới Kitô giáo châu Phi ung dung đặt nổi lên lại cảm thức uyên nguyên về những giá trị truyền thống của họ. Dĩ nhiên họ cũng đề cập rất cụ thể tới những câu hỏi liên quan tới việc xây dựng xã hội – như làm sao Kitô giáo có thể trở thành một sức mạnh kiến tạo hoà bình, một sức mạnh thúc đẩy hoà giải – có lẽ họ ít lý thuyết hơn, nhưng với những đau khổ và những kinh nghiệm đau thương đã trải qua, Giáo Hội trên lục địa này hẳn có gì để nói cho con người.
Hợp nhất Kitô hữu
Vào cuối thế kỷ vừa qua, các nhà thần học của hai Giáo hội Tin lành và Công giáo đã ký với nhau một “Tuyên ngôn chung về công chính hoá”. Theo đó, ơn công chính không chủ yếu do những việc làm của con người, nhưng trên hết chỉ là do ân huệ của Chúa, dù con người đã có một cuộc sống tốt hay xấu. Đó có phải là một bước tiến thực sự đi tới đại kết hay không? Bên cạnh những điểm giống nhau, ta có phải bằng mọi cách giữ lại những điểm cá biệt về đức tin, để không rơi vào nguy cơ mất bản sắc?
Tiếc rằng ta đã không truyền thông cho mọi người hiểu được đúng nội dung của tuyên ngôn, đơn giản là vì ngày nay chẳng ai còn hiểu “giáo huấn về công chính hoá” nghĩa là gì nữa cả. Thời Luther, đó là một đề tài lớn, làm nôn lòng mọi người, và dĩ nhiên việc bành trướng của Tin lành không chỉ do điểm này mà ra, nhưng còn do chuyện các ông hoàng đã lợi dụng nó để trục lợi cho mình. Ngày nay, câu hỏi trên chẳng còn là đề tài thực tiễn gì nữa trong thế giới Tin lành. Vì vậy, công luận chỉ còn hiểu một cách đơn giản là chỉ có ân huệ Chúa mới đáng kể, còn việc lành (cuộc sống) chẳng quan trọng gì cả. Phát biểu như vậy là không những giản tiện hoá quan điểm của Luther, mà còn là không hiểu gì về những vấn nạn con người thật sự đặt ra cho Kitô giáo ngày hôm nay. Hơn nữa, 500 năm qua, kể từ Cải cách, cả thế giới Kitô giáo đã có được những kinh nghiệm mới và đã trải qua một cuộc đổi thay thời đại. Ở đây tôi không thể trình bày hết mọi chuyện được. Chỉ cần điều này: Trước hết, bản tuyên ngôn chung xác nhận: khởi đầu của một cuộc sống với Chúa quả là do chính Chúa định đặt. Chúng ta không thể tự mình vươn tới Chúa được, nhưng chỉ có Ngài mới có thể đưa ta tới Ngài mà thôi. Đức tin là bước khởi đầu đưa con người tới đường công chính. Và đức tin lại là dấu chỉ của sáng kiến của Chúa, sáng kiến này ta không tự mình tạo nên và ta không xứng đáng để hưởng nó.
Trong quá trình hình thành tuyên ngôn, Giáo hội Công giáo coi trọng điểm này: một mặt hoàn toàn công nhận sáng kiến khởi đầu đó của Chúa, song mặt khác cũng công nhận là Ngài đã thực hiện một cái gì đó trong tôi. Ngài nhận tôi vào, giao cho tôi trách nhiệm, để tôi cùng cộng tác và tạo nên hoa trái – và bản án cuối cùng sẽ được căn cứ trên nỗ lực đồng trách nhiệm của tôi. Tiếc thay cột trụ thứ hai này đã không được công luận chú ý đến.
Nói cách khác: Chúa không cần có những kẻ nô lệ, để Ngài cầm tay lôi vào đường công chính và chính Ngài cũng chẳng quan tâm gì tới họ. Nhưng Ngài muốn làm cho con người trở thành đích thực là những bạn đồng hành, những chủ thể thật sự, những người tự có khả năng dùng quà tặng khởi đầu của Ngài để cùng tác động và cùng mang trách nhiệm về tác động đó. Tôi muốn nói đó là hai cột trụ chứa đựng trong tuyên ngôn. Trong đó, kinh nghiệm của Luther rất phù hợp với Tin Mừng đã được đưa vào. Nhưng đồng thời cũng có cả điều mà Giáo hội Công giáo xưa nay vẫn luôn rao giảng. Cả hai tạo nên sự cân đối.
Giáo Hội cầu nguyện cho hợp nhất Kitô hữu. Nhưng ai hợp nhất với ai?
Công thức mà các nhà đại kết lớn đã tìm ra, là chúng ta cứ đi tới. Chúng ta không nhất thiết muốn có những nối kết cụ thể, nhưng hy vọng ở đâu được Chúa đánh thức đức tin, ở đó Ngài sẽ đưa về một mối và ở đó có một Giáo Hội duy nhất. Là người Công giáo, chúng ta xác tín rằng Giáo Hội duy nhất đó có khuôn hình nền tảng nơi Giáo hội Công giáo, nhưng cả Giáo Hội này vẫn bước tới tương lai và vẫn để cho Chúa giáo dục và chăn dắt. Như vậy, chúng ta không đề ra một kiểu mẫu nối kết nào cả, mà đơn giản cứ tiếp tục bước đi trong niềm tin dưới sự hướng dẫn của Chúa – là Đấng biết con đường sẽ đưa tới đâu. Và chúng ta tin tưởng vào Ngài.
Đã có những suy nghĩ mạnh bạo về mặt đại kết?
Không, vì chuyện kết hợp không thể là một màn diễn chính trị, hay do thanh gươm dí vào cổ mà thành được. Cũng không do giáo hoàng Công giáo hay hội đồng tôn giáo thế giới muốn là được. Mà đó là những diễn tiến sống động. Đức tin là một cái gì sống động và cắm rễ sâu trong mỗi người và nó mang trách nhiệm trước mặt Chúa. Giáo hoàng không phải là ông vua độc tài hay chuyên chế muốn làm gì thì làm, nhưng nhiệm vụ của ngài là phục vụ sự vâng lời đức tin.
Trong đức tin, người ta không thể ra lệnh cho ai phải soạn ra những dự án đại kết như thế nào, hoặc bảo rằng, thôi bây giờ Giáo hội anh bỏ bớt đi một chút, phía tôi thêm vô một chút, không thể có chuyện như vậy được. Hoặc là ta tin vào Chúa - như vậy thì không thể nói được ngày mai ta sẽ làm khác đi. Hoặc là ta coi mình có quyền quyết định - như thế thì mọi chuyện sẽ vô giá trị. Không, đức tin là cái gì sống, trong đức tin chúng ta tín thác vào Chúa, và Ngài sẽ không vì mưu đồ chính trị mà phải đi tới một công thức thoả hiệp.
Chúng ta chỉ có thể khiêm tốn nỗ lực cơ bản hoá đức tin, nghĩa là nhận ra cái gì là nền tảng nơi nó - cái đó không do ta làm ra nhưng ta đã nhận được từ Chúa - và từ tâm điểm cái nền tảng đức tin đó ta mở ra và để Chúa, chỉ một mình Chúa mà thôi, dẫn đi tiếp.
Những nguy cơ mới cho đức tin
Liên quan tới việc Kitô giáo mất ảnh hưởng trong thế giới tục hoá, ngài đã nói tới một nguy cơ đe doạ đức tin rất tinh tế mà tới nay chẳng được mấy ai quan tâm, đó là nền độc tài dư luận. Nền độc tài này chỉ chấp nhận một Kitô giáo dễ bảo, chịu thích nghi, không góc cạnh, trong lúc những người sống đức tin thực sự thì bị nó đóng ấn là “bảo căn”, “cứng đầu”.
Tôi tin đó là một mối nguy thực sự. Người ta không truy nã đàn áp Kitô hữu một cách công khai, làm như vậy thì cổ hũ và quá lỗi thời. Không, người ta tỏ ra rất khoan dung, hoàn toàn cởi mở. Nhưng nơi nào có đức tin hiện diện đích thực, nơi đó họ lại loại trừ và kết án là bảo căn.
Tôi nghĩ có thể xảy ra trường hợp buộc mình phải chống lại một nền độc tài xem ra khoan dung, nhưng nó lại đồng thời triệt tiêu đức tin bằng cách kết án đức tin thiếu khoan dung. Nghĩa là có một bất khoan dung của những “người khoan dung”. Đức tin không đi tìm mâu thuẫn, nó tìm không gian tự do và nơi chịu đựng nhau. Nhưng nó không thể để cho những công thức tiêu chuẩn của tân tiến sai khiến. Đức tin có một nhiệm vụ cao hơn là trung thành với Chúa và phải sẵn sàng chấp nhận thứ mâu thuẫn mới này.
Phục hưng tâm linh
Kitô hữu trẻ đi tìm một tôn giáo đậm cảm giác. Họ muốn quay trở lại thủa ban đầu của Giáo Hội, trở lại cội nguồn của mầu nhiệm, và đòi hỏi phải có một cuộc đổi mới tâm linh, hầu làm sống lại một cách mới mẻ cả những mặt lưu truyền đã bị bỏ quên của Kitô giáo. Giáo Hội có cần một cú xốc để tạo lại tiếng nói cho các biểu tượng câm lặng của mình không?
Hẳn nhiên Giáo Hội cần những cuộc lên đường tâm linh sống động. Trong mọi thời, Giáo Hội trân quý tất cả những hình thức làm dấy lên đam mê mới cho đức tin; những phương thức đó không do chính trị khởi xướng, nhưng phải xuất phát từ lòng Giáo Hội. Như ta đã thấy, cuộc đổi mới trong thế kỷ 16 không đến từ các định chế, nhưng đã do những con người được cảm hoá và họ đã tạo nên những phong trào mới. Ngày nay, ta cũng nhận ra cuộc đổi mới đó trong nhiều hình thái đa dạng - mà phong trào đặc sủng là một trong những thí dụ. Đây có thể nói là một an ủi mà Chúa đã tặng cho ta; qua các phong trào đó, Chúa chứng tỏ cho ta thấy Thánh Linh vẫn hiện diện và có sức mạnh.
Trên thực tế, Công giáo không bao giờ chỉ được hoạch định và quản trị bằng định chế hay bằng đầu óc hàn lâm. Mà nó luôn hiện diện như là một món quà, như một sinh lực tâm linh. Và món quà đó rất đa dạng. Không có Công giáo đồng phục. Trong Công giáo có đủ kiểu: Focolare, Schönstatt, Cursillo, Thánh linh... cũng như bên cạnh Phanxicô còn có Biển Đức, Đaminh… Trong một chung cư mỗi gia đình sống đạo mỗi khác. Và cái kho tàng trăm hoa năng động đó ta nên duy trì.
Ngày nay, có một chiều hướng đòi đồng phục nơi các đại biểu tân tiến nhất của Công giáo. Họ ngờ vực và đóng ấn phản động lên những gì sinh động và mới, những gì không tuân theo khuôn mẫu hàn lâm hoặc không theo quyết định của các uỷ ban hay của các kỳ họp hội đồng. Dĩ nhiên luôn có những nguy cơ, những sai lầm, những bất cập… Ông làm vườn Giáo Hội phải luôn cảnh tỉnh sửa sai, nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận cái mới sống động đó như là một quà tặng.
Tôi nghĩ, cần có một khoan dung lớn trong nội tình Giáo Hội, để chấp nhận, coi lối sống đa dạng đó như là một cái gì thuộc độ lớn công giáo - để rồi không đơn giản loại bỏ nó, cho dù nó không hợp với khẩu vị mình. Chẳng hạn ở Đức, khi nghe nói đến tu hội “Opus Dei”, hội “Hướng đạo âu châu” hay một cái gì khác, người ta phải tỏ ra bực bội, là vì nếu không thì mình chẳng còn được xem là một tín hữu Công giáo tốt nữa! Có những cái không hợp với khẩu vị “bình thường”, hay nói khác đi, không hợp với khẩu vị người “Đức”. Ở đây, mình cần phải bao dung để chấp nhận cái độ lớn công giáo kia.
Hẳn nhiên, những người khác cũng phải sẵn sàng bỏ đi những cá biệt hoặc nguy cơ đóng kín của mình để phục vụ cho toàn thể. Sự hiện diện của ghế giáo hoàng hay giám mục cũng là để duy trì cái độ lớn kia, đồng thời để ngăn chặn những đóng kín đưa tới kết bè lập phái và đưa chúng trở về hoà nhập với toàn thể.
Điều có thật
Thánh Augustinô chăm lo cho gia sản quý nhất của Giáo Hội, đó là những kẻ nghèo, người goá bụa, trẻ mồ côi. Cuộc sống thay đổi của ngài sau khi vào Kitô giáo đã khiến cho những lời ngài nói trở nên khả tín, xác thực và nảy lửa. Phải chăng gương sống thật của Kitô hữu có nhiều giá trị trên xã hội hơn là những bài giảng xoa dầu cù là hay những cuộc nghị luận hàn lâm?
Dĩ nhiên đúng là như thế, và đội ơn Chúa, cũng đã có những tấm gương đó. Ở đây tôi nghĩ tới, chẳng hạn, Hồng y O’Connor ở New York đã lập một hội dòng mới để lo cho những người bệnh liệt kháng và chính ngài cũng bỏ ra mỗi tuần một ngày cho công tác này. Tôi cũng nghĩ tới “các chị nhân ái” (Sister of Mercy), một dòng tu mới tại Hoa Kỳ, chuyên lo việc giáo dục và nhiều công tác phục vụ chữa bệnh khác. Hoặc mẹ Têrêxa ở Calcutta với tu hội của mẹ. Đội ơn Chúa đã có biết bao tấm gương sống niềm tin một cách âm thầm triệt để chứng minh cho cái có thật đó, và những chứng tá cũng đã mang hiệu quả.
Nhà văn người Pháp Georges Bernanos có lần viết: ”Thánh là một cuộc phiêu lưu, ngay cả là cuộc phiêu lưu duy nhất có thể có. Có hiểu được điều đó, thì mới đi vào được trái tim đức tin Công giáo”.
Trong đức tin, chúng ta nhìn nhận chính Giáo Hội là “thánh”. Điều này không có nghĩa tất cả mọi người trong Giáo Hội đều là thánh. Cũng không phải trong Giáo Hội cái gì cũng tốt cả, nhưng có nghĩa là Giáo Hội đã được Chúa chạm tới và trong đó luôn có thánh xuất hiện. Điều quan trọng ở đây là ta nên quan niệm thánh một cách rộng rãi, bởi vì thánh có muôn hình vạn trạng. Cứ xem những vị đã xuất hiện trước mắt ta, thì sẽ thấy có bao nhiêu là cách thức và loại hình nên thánh. Từ một bác sĩ xả thân phục vụ cho tới những học giả, những người bình thường, những nữ tu và giáo dân, tất cả họ đều sống trong thế giới này.
Cũng có những vị thánh âm thầm, điều này luôn quan trọng đối với tôi, họ là những người bình thường mà tôi đã làm quen lúc còn nhỏ, những cụ già nông dân hiền từ và những bà mẹ hiền lành quên mình cho con cái, cho gia đình, cho Giáo Hội, và cũng luôn hy sinh cho những người khác trong thôn xóm. Không nhất thiết phải là một cái gì anh hùng, nhưng cũng có thể ngay cả cái thật tầm thường, cái khiêm tốn.
Và dĩ nhiên cũng luôn có những khuôn mặt gây rúng động. Ở Ý này có Linh mục Piô nổi tiếng kinh khủng, nghe nói ngài đồng thời cũng là một linh mục giải tội rất nóng tính. Xưng tội với ngài chẳng thoải mái lắm, nhưng qua khuôn dáng và cung cách ngài, con người cảm thấy như chính Chúa đang nói với họ thật, và nếu cần, thì Chúa cũng cho họ ít roi. Roi vọt nhiều khi không phải là vô bổ. Trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu tỏ ra vừa cứng rắn, vừa rất hiền từ và hay giúp đỡ. Hình ảnh đó, trong thế kỷ này, lại hiện thân qua Linh mục Piô. Như vậy, qua những gì hiện ra trước mắt ta, ta biết rằng thánh là có thật và nó giúp ta những lực sống mới. Có những vị thánh khiêm nhường, đơn sơ, không ai viết ra, nhưng quả thật vô cùng quan trọng cho đời sống Giáo Hội.
Luôn có những chuyện không thể lường trước được, bất ngờ xảy đến làm xoay chuyển cuộc sống. Đặc biệt dễ thấy là sự phục hưng phong trào sùng kính Mẹ Maria trên khắp thế giới hiện nay. Ngài có nghĩ rằng Mẹ Maria sẽ là cửa ngõ cho hàng triệu người tìm đến Giáo Hội không?
Ta chẳng bao giờ tiên đoán được tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Ai chỉ biết ngồi đó dùng thống kê về tình trạng hiện tại ở Âu châu mà hàn lâm ngoại suy về sự sụp đổ của Giáo Hội, người đó chẳng hiểu gì về sự bất lường của lịch sử con người, nói chung - và về lực khởi xướng của Chúa có thể tới bất cứ lúc nào, nói riêng.
Rõ ràng có những đợt sóng mới ít ai ngờ về việc sùng kính Đức Mẹ trên thế giới. Nhưng trong đó cũng có một số hình thức hiện ra và sứ điệp giả. Phải rất thận trọng, đừng quá dễ dãi tin ngay đó là những phép lạ.
Nhưng trái lại, cũng đừng quá cứng lòng khiến thực tế có thật không thấm nhập được vào mình. Hãy nghĩ về biến cố ở Lộ Đức, lúc đầu người ta cứ bảo là cô bé kia bày chuyện. Nhưng rồi chính Mẹ Maria đã thực sự có ở đó. Chắc chắn chẳng phải vô tình mà ngày nay rất đông người quay trở về với Mẹ, qua đó Kitô giáo lại trở nên thân thương và gần gũi với ta, đồng thời nhờ Mẹ mà ta tìm ra được lối vào.
Ta đã nói chuyện về Nam Mỹ, nhờ Guadeloupe mà thổ dân ở đó đã có thể thấy được đạo không phải là của thực dân, song là của Mẹ nhân từ và của Thiên Chúa đã khổ đau vì chúng ta - và Mẹ thật đã trở thành cửa ngõ dẫn tới Đức Kitô - cho tới nay người ta vẫn tin như thế. Cả ngày nay, không riêng gì Nam Mỹ, nhờ qua Mẹ mà một nhân loại kiệt sức vì thế giới kỹ thuật lạnh lẽo và một Kitô giáo duy lý và mỏi mệt có thể tìm gặp lại được chính Đức Kitô một cách sống động. Ta có quyền mạnh dạn bước vào tương lai với niềm vững tin đó.
Giáo hoàng Gioan XXIII đã có thể nói: “Tôi thuộc về một Giáo Hội sống động và trẻ trung, Giáo Hội đó đang tiếp tục dẫn công trình của mình đi vào tương lai không chút âu lo”. Hồng y Joseph Ratzinger cũng có thể nói được câu đó?
Có! Tôi có thể vui vẻ nói lên điều đó. Tôi thấy có nhiều cành cây Giáo Hội già cội và đang chết dần, chúng chậm rãi lìa thân, lúc lặng lẽ, lúc ồn ào. Nhưng trên hết tôi thấy sự trẻ trung của Giáo Hội. Tôi đã được gặp bao nhiêu người trẻ, từ khắp mọi miền thế giới, tôi đã được gặp bao nhiêu phong trào mới, thấy được đức tin hân hoan bừng lên trong đó. Và tất cả những kẻ phê bình chỉ trích Giáo Hội - họ luôn có lý của họ - đã chẳng đánh đổ được nỗi hân hoan đó, vì niềm vui nơi Chúa Kitô lớn hơn mọi phê bình chỉ trích. Vì vậy, tôi có được một nơi chốn, ở đó tuy có nhiều nỗ lực khó khăn, nhưng lại có nhiều gặp gỡ cho thấy sự trẻ trung của Giáo Hội hơn. Và chúng ta được phép yên tâm tiến vào tương lai, vì Chúa hẳn sẽ không bỏ rơi tương lai.
Hết